Phú Yên: Năm 2021 thu ngân sách ước đạt 7.400 tỷ đồng

Kinh tế - Ngày đăng : 11:09, 08/12/2021

(TN&MT) - Năm 2021, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Phú Yên chủ động, tích cực, chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, năm 2021, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 98% kế hoạch, tăng 2,14% so cùng kỳ. Diện tích 2 vụ lúa chính sử dụng giống đạt tiêu chuẩn gieo sạ chiếm gần 80%, chất lượng gạo tăng lên gấp 1,5 lần; đàn gia súc, gia cầm cơ bản phát triển ổn định, riêng đàn lợn tăng 12,8% so với cùng kỳ; mô hình nuôi công nghiệp, trang trại đang tiếp tục phát triển; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 2,6% so với cùng kỳ.

Phú Yên trở lại cuộc sống bình thường mới bởi dịch COVID-19

Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện năm 2021 đạt 91,2% kế hoạch, tăng 3,3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện đạt 92% kế hoạch, tăng 1,05% so cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện đạt 93,6% kế hoạch, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách năm 2021 ước đạt 7.400 tỷ đồng, đạt 140% dự toán Trung ương giao, đạt 85,7% dự toán tỉnh, tăng 45,5% so cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước thực hiện đạt 85,9% kế hoạch, giảm 6,5% so cùng kỳ, do ảnh hưởng dịch Covid-19 các công trình thi công chậm lại, một số dự án vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên khối lượng thực hiện thấp. Giá trị giải ngân vốn ngân sách địa phương quản lý đến ngày 31/10/2021 bằng 52% và ước cả năm 2021 tỷ lệ giải ngân đạt 96% kế hoạch vốn.

Phú Yên xây nhiều điểm tham quan thu hút khách du lịch

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh đạt bình quân 17,3 tiêu chí/xã; có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 69,9 %) và 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 khu dân cư đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 4 vườn mẫu nông thôn mới; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn. Dự kiến đến hết năm 2021 có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 71,1%); 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có 14 phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.

Công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh được tập trung thực hiện, tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải và các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng không thiết yếu. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 321 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 3.127,5 tỷ đồng, giảm gần 30% về số doanh nghiệp và 35% về số vốn so với cùng kỳ.

Phú Yên vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế

Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh bằng các hình thức phù hợp trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh. Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư 12 dự án ngoài ngân sách, với tổng vốn đầu tư hơn 7.010 tỷ đồng và điều chỉnh chủ trương đầu tư 10 dự án; phối hợp tổ chức động thổ, khởi công một số dự án ngoài ngân sách.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về an sinh xã hội theo quy định, nhất là hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nên giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn chỉ đạt 82,2% kế hoạch; tỷ lệ lao động thất nghiệp chiếm khoảng 3,4% trong lực lượng lao động toàn tỉnh; lao động thiếu việc làm chiếm tỷ lệ 3,6% trong tổng số lao động có việc làm; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2021 giảm còn 1,96%.

Tháp Nghinh Phong tại TP. Tuy Hòa biểu tượng của tỉnh Phú Yên

Năm 2022, Phú Yên phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu 207 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn 6.642 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 20.200 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 25.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1,5-2%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,5%.

Mỹ Bình