Quảng Bình ứng phó biến đổi khí hậu: Rà soát để đưa ra cảnh báo sớm

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:11, 18/11/2021

(TN&MT) - Quảng Bình là tỉnh duyên hải miền Trung có đặc điểm về khí hậu và địa hình rất phức tạp và là địa phương chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam. Thiên tai có tần suất cao hơn và mức độ ác liệt hơn, trong đó có thể kể đến như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cát bay cát lấp, rét đậm rét hại, lốc tố, sạt lở đất...

Trước tình trạng này, thời gian qua ngành chức năng Quảng Bình đã triển khai nhiều biện pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Nâng cao trách nhiệm cộng đồng

Thời gian qua, Quảng Bình đã tích cực chỉ đạo các Sở, ban, ngành triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã quán triệt sâu, rộng chủ trương ứng phó BĐKH đến các cấp chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong việc chủ động ứng phó với BĐKH; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh.

BĐKH, mưa bão gây ra nhiều thiệt hại lớn cho Quảng Bình

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt một số dự án, nhiệm vụ để chủ động thích ứng với BĐKH khu vực ven biển và phòng, chống thiên tai như: Đầu tư xây dựng, củng cố đê, kè chống sạt lở cửa sông Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới; Nâng cấp hệ thống đê, kè bảo vệ bờ sông và trồng rừng ngập mặn; Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình giai đoạn 2015 - 2020; Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) tỉnh Quảng Bình của IFAD; Củng cố, nâng cấp tuyến đê, kè Tả sông Gianh; Đầu tư phát triển môi trường hạ tầng đô thị để ứng phó với BĐKH thành phố Đồng Hới.

Xây dựng bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão trên địa bàn... Mặt khác, tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan chủ động triển khai Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh; thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, giá trị gia tăng; điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng kết hợp với bố trí lịch thời vụ hợp lý để ứng phó với BĐKH; tích cực chỉ đạo ứng dụng các quy trình thâm canh tiến tiến vào sản xuất nhằm hạn chế sử dụng các tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu sự tác động đối với môi trường sinh thái.

Tình trạng sạt lở bờ biển tại Quảng Bình diễn ra nhiều hơn.

Năm 2020, Quảng Bình chịu ảnh hưởng 6 cơn bão và hai trận lũ lụt lớn, đặc biệt đợt mưa lịch sử từ ngày 16 - 20/10/2020 nước lũ vượt qua các mốc trong quá khứ, gây thiệt hại ước tính 3.676 tỷ đồng, làm 25 người thiệt mạng, 197 người bị thương, 113 ngôi nhà sập, 125.881 ngôi nhà bị ngập lụt...

Cảnh báo sớm thiên tai

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ứng phó với BĐKH của Quảng Bình vẫn còn một số hạn chế như: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về BĐKH chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Hoạt động ứng phó với BĐKH còn bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ; năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát BĐKH chưa đáp ứng yêu cầu...

Do đó, để triển khai các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với định hướng của Chính phủ, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Quảng Bình là rất cần thiết.

Trong đó, chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Xây dựng các chương trình, dự án liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho từng ngành, từng lĩnh vực nhằm xây dựng và củng cố nền kinh tế các-bon thấp có khả năng chống chịu và thích ứng cao với các tác động của BĐKH; Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực phù hợp với bối cảnh BĐKH.

Đặc biệt tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn, giám sát BĐKH phục vụ việc dự báo, cảnh báo sớm các loại hình thiên tai, các loại hình khí hậu cực đoan. Chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai, chống ngập lụt, xâm nhập mặn, củng cố hệ thống đê sông, đê biển và đảm bảo an toàn hồ chứa, các công trình dân sinh, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Nâng cao độ che phủ rừng, tập trung có hiệu quả việc giao khoán rừng, xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững có hiệu quả, xây dựng mô hình sản xuất nông lâm kết hợp hiệu quả cao.

 

Ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Bình cho biết: “Nhằm ứng phó với BĐKH để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ triển khai một số giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng về thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH của các ngành,… Trong đó, công tác rà soát, đánh giá xác định những điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở để đưa ra các cảnh báo sớm đồng thời có phương án di dời dân ra khu vực an toàn. Thực hiện những giải pháp về trồng cây bản địa có sức chống chịu với mưa bão thích ứng với BĐKH”.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Bình đã triển khai xây dựng gần 900 ngôi nhà cho hộ nghèo nhằm phòng, chống mưa lũ. Đây là các Chương trình xây dựng nhà nằm trong Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam.

Hồng Thiệu