Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp ứng phó bão số 8

Trong nước - Ngày đăng : 17:58, 12/10/2021

Chiều 12/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai về ứng phó bão số 8 (có tên quốc tế Kompasu, đã vào Biển Đông vào sáng nay, trở thành cơn bão số 8 trong năm nay với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13).
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai về ứng phó bão số 8. Ảnh VGP/Đức Tuân
Dự cuộc họp có lãnh đạo 6 tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng cho biết, theo các báo cáo, bão số 8 di chuyển với tốc độ nhanh, cường độ mạnh. Đề nghị các bộ, địa phương báo cáo tình hình triển khai các biện pháp ứng phó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác phòng chống thiên tai thời gian qua, nhất là bão số 7 mới đây, đạt được kết quả tốt, tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác, nỗ lực bám sát tình hình để làm sao hạn chế thấp nhất các thiệt hại do bão số 8 gây ra.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo, bão số 8 di chuyển nhanh, đạt cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14 trong ngày 12-13/10 khi di chuyển trên khu vực Bắc biển Đông đến gần đảo Hải Nam, Trung Quốc. Bão đi vào Vịnh Bắc Bộ với sức gió cấp 8, giật cấp 10 vào rạng sáng 14/10. Dự kiến đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa - Quảng Bình trong sáng đến trưa 14/10.

Từ chiều 13-14/10, Bắc Bộ và Quảng Trị có mưa từ 100- 150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt; Thanh Hóa - Quảng Bình có mưa 150- 250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 15/10, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn.

Từ ngày 13-15/10, Bắc Bộ, từ Thanh Hóa - Quảng Trị xảy ra một đợt lũ với đỉnh lũ ở thượng lưu lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2, riêng sông Thao (tỉnh Yên Bái) và sông Bôi (tỉnh Hòa Bình) đạt mức BĐ2; hạ lưu các sông chính còn dưới mức BĐ1.

Về công tác phòng chống bão, đã kiểm đếm, hướng dẫn 53.944 tàu/233.335 người. Có 7 tỉnh duy trì cấm biển gồm Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Các tỉnh từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế đã cơ bản thu hoạch xong lúa mùa.

Báo cáo cho biết, hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có tổng chiều dài 708km (346km đê biển; 362km đê cửa sông); 33 vị trí xung yếu và 13 công trình đang thi công. Các vị trí trực diện biển cần quan tâm như: đê biển Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đê cửa sông tả Thái, tỉnh Nghệ An; đê biển Vĩnh Thái, tỉnh Quảng Trị; kè biển Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bão số 8 di chuyển nhanh, đạt cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14.

Để chủ động ứng phó bão, mưa lũ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành tiếp tục triển khai Công điện số 1323/CĐ-TTg, trong đó tập trung vào các nội dung sau:

Đối với tuyến biển: Theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để phòng tránh, trong đó kiên quyết kêu gọi 04 tàu Quảng Ngãi thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Quản lý chặt chẽ việc ra khơi và kiểm đếm tàu thuyền, duy trì thông tin liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Với các tỉnh từ Quảng Bình trở ra xem xét việc tiếp tục duy trì không để tàu đánh bắt xa bờ ra khơi. Tổ chức gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản; thu hoạch sản phẩm đã đến thời kỳ thu hoạch.

Đối với khu vực đồng bằng và ven biển: Rà soát, sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân cư khu vực trũng thấp, cửa sông, ven biển đến nơi an toàn. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi tập trung khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp. Khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng.

Rà soát, có phương án hỗ trợ người dân di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra Bắc, nhất là lương thực và nơi tránh trú khi bão đổ bộ và xảy ra mưa lớn.

Đối với khu vực miền núi: Sẵn sàng tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ, đảm bảo an toàn hạ lưu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Theo Chinhphu.vn