Áo mới cho thùng sắt “ăn” rác thải nhựa ở Đà Nẵng
Câu chuyện môi trường - Ngày đăng : 09:39, 07/10/2021
“Mẹ đẻ” của những thùng sắt thu gom đồ nhựa này là chị Nguyễn Thị Kim Liên - Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển (Đà Nẵng). Chị Liên chia sẻ: Do thường xuyên công tác, học tập tại nước ngoài, chị nhiều lần chứng kiến sự khác biệt ở các nước phát triển và nơi mình sinh sống, đó là ứng xử với túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần. "Nếu đi biển Đà Nẵng, điều dễ nhận thấy là nhiều người uống nước xong thẩy (vứt) chai, ly nhựa ra biển. Mỗi người đi chợ mua đồ đều mang về nhà 5, 6 túi ni lông và bỏ đi. Trong khi, ở các quốc gia phát triển, tất cả sản phẩm đều đựng bằng giấy, muốn sử dụng bao ni lông phải bỏ tiền ra mua và túi đó đều là sản phẩm sinh học dễ phân hủy".
Các em nhỏ hào hứng bỏ chai nhựa sau khi sử dụng vào thùng thu gom rác. |
Chính cách ứng xử theo hướng lạm dụng sự tiện lợi của túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần đã đe dọa sự bền vững của môi trường. Làm sao để thu gom được số chai nhựa dọc các bãi biển, khu đông dân cư? Trăn trở đó có lời giải trong một lần chị đi thăm và tìm hiểu kinh nghiệm khởi nghiệp của Israel. Họ có những thùng thu gom đồ nhựa rất đơn giản nhưng sáng tạo và bắt mắt. Khi trở về Việt Nam, chị Liên đã lên ý tưởng và phối hợp với Hội Phụ nữ TP. Đà Nẵng lắp đặt những thùng thu gom đồ nhựa đặt dọc bãi biển Đà Nẵng. Những thùng sắt thu gom đồ nhựa không chỉ khuyến khích mọi người bỏ rác đúng quy định mà còn truyền bá thông điệp về môi trường.
"Đến thời điểm hiện tại, có 50 điểm đặt thùng thu gom chai nhựa dùng một lần, đa phần đặt dọc đường biển, số còn lại đặt ở các khu dân cư. Những cái lớn tôi không làm được, nhưng cái nhỏ, vừa sức trong tầm tay thì tôi làm. Đó là đóng góp tích cực cho môi trường. Chỉ cần mỗi người ý thức như vậy thì trái đất sẽ sạch hơn” - Chị Liên chia sẻ.