Nơm nớp dưới chân đập

Xã hội - Ngày đăng : 11:22, 05/10/2021

(TN&MT) - Cả nước hiện có 7.808 đập, hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ mét khối. Công tác bảo trì chưa được quan tâm thường xuyên nên một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm công năng phục vụ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đây là cảnh báo được Bộ NN&PTNT nêu tại Dự thảo Đề án “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045” đang được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiến hành thẩm tra trước khi trình Quốc hội phê duyệt.

Bộ NN&PTNT đánh giá, với những số liệu trên, kèm theo trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay, nguy cơ mất an toàn hồ đập rất lớn. Trong khi đó, những bài học từ các sự cố hồ chứa chưa bao giờ hết tính thời sự…

Không nói đâu xa, mới đây, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa to kéo dài đe dọa an toàn hồ đập. Một số hồ chứa thủy lợi và thủy điện đã phải mở cửa xả lũ khiến cho các khu vực dân cư vùng hạ du, vùng trũng thấp ngập trong nước lũ dâng cao, có nơi hơn 1m. Thống kê của địa phương cho thấy, có 696 ngôi nhà bị ngập; 82 hộ dân bị ngập, sạt lở đất phải di dời đến nơi an toàn; hơn 3.000 ha lúa, ngô, rau màu bị ngập nặng; 5.394 gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi...

Cần tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa bão

Thực tế, tình trạng xuống cấp của các hồ chứa chủ yếu là thấm thân đập, nứt tràn xả lũ, hư hỏng cống lấy nước, xói lở tiêu năng… Phần lớn các đập tạo hồ chứa thủy lợi đều là đập đất, xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Theo thống kê, hiện, vẫn còn khoảng 70 đập đất trong tình trạng thấm và 80 đập bị biến dạng mái đập; 188 hồ tràn xả lũ bị hư hỏng thân tràn hoặc xói lở tiêu năng hạ lưu tràn ở các mức độ khác nhau.

Chưa kể, mấy năm qua, việc các dòng sông gánh thêm trọng trách sản xuất năng lượng điện tăng mạnh. Hơn 1.000 dự án thủy điện đã được phê duyệt. Hầu như tất cả các dòng sông đều đang và sắp có đập. Người ta xây đập sản xuất điện bất chấp quy luật vận hành của tự nhiên, các hệ sinh thái, thậm chí cả quy luật kinh tế.

Những con đập thủy điện đó có thể tạo ra sản lượng điện và tiền của, nhưng có tạo thêm hạnh phúc, phồn vinh bền vững cho đại đa số người dân hay không? Phương châm “đầu tư có trách nhiệm” đôi khi mới chỉ là khẩu hiệu. Cái giá phải trả, nếu quy ra được bằng tiền, còn cao gấp nhiều lần cái lợi vẽ trên giấy tờ dự án.

Chưa kể điểm bất cập lớn lại nằm ngay trong quản lý là thay vì phân công cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm chính, lại được giao cho Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đồng quản lý. Do mục đích khai thác, sử dụng nguồn nước khác nhau nên mỗi Bộ đều có quy hoạch riêng, dù ngay trên cùng một lưu vực sông, dẫn đến việc khảo sát, phê duyệt các công trình xây dựng hầu như được tiến hành một cách riêng lẻ, gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn đập sau này.

Cho dù, các Bộ, ngành có gặp nhau ở quan điểm "bảo đảm an toàn đập, hồ chứa, để qua đó, bảo đảm an toàn vùng hạ du" - vốn đã trở thành vấn đề nóng hổi, đòi hỏi phải có sự hoàn thiện khẩn trương về khuôn khổ pháp lý đối với công tác này - nhưng nói đến sự hợp tác để hoàn thiện khung pháp lý thì còn không ít khó khăn.

Quản lý an toàn hồ đập là công việc thường xuyên, liên tục, có ảnh hưởng và liên quan đến nhiều Bộ, ngành, nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, vì vậy, nhất thiết phải có một cơ quan liên ngành giúp việc Chính phủ nằm trong 1 Bộ. Bên cạnh đó, cần đưa các chế tài cụ thể để xử lý các chủ thể liên quan trong việc không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn hồ đập. Có như vậy, mới đẩy mạnh việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, khắc phục những tồn đọng bấy lâu nay.

Nhận rõ những bất cập để có giải pháp an toàn hồ đập bền vững thực sự đang là một nhiệm vụ cấp thiết để hóa giải những nỗi lo của cư dân vùng hạ du mỗi mùa mưa lũ.

Phương Anh