Thừa Thiên - Huế: Bảo vệ, khai thác bền vững tài nguyên nước để phát triển kinh tế - xã hội
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:46, 30/09/2021
PV: Xin ông cho biết đôi nét về tình hình tài nguyên nước ở tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay?
Ông Lê Bá Phúc:
Nguồn tài nguyên nước của tỉnh khá phong phú, nhất là tài nguyên nước mặt của hệ thống sông Hương. Ngoài ra, trong vùng còn có một số hệ thống sông khác như sông Ô Lâu, sông Nông, sông Truồi, sông Cầu Hai, Sông Bù Lu, sông A Sáp là những sông nhỏ nội vùng. Đặc biệt, tính độc đáo của hệ thống thủy văn Thừa Thiên - Huế còn thể hiện ở chỗ, nơi hội tụ của hầu hết các con sông trước khi ra biển là hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, tài nguyên nước dưới đất của tỉnh cũng đa dạng, theo tài liệu điều tra về tài nguyên nước bao gồm cả nước nhạt và nước khoáng nóng, được phân bố tương đối đều trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng trữ lượng nước dưới đất ở các vùng đã nghiên cứu ở cấp C1 đạt gần 9.200m3/ngày. Chính lượng nước này cùng hệ thống các thủy vực dày đặc với tổng lượng nước mặt phong phú đã đảm bảo cho Thừa Thiên - Huế tránh được những đợt hạn hán khốc liệt và kéo dài.
Ông Lê Bá Phúc - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế. |
Ngoài ra, tỉnh có 7 nguồn nước khoáng nóng có thể sử dụng để uống và chữa bệnh, phân bố từ vùng rừng núi, gò đồi đến đồng bằng ven biển. Đáng chú ý nhất trong số này là 3 điểm Thanh Tân, Mỹ An và A Roàng.
Thừa Thiên - Huế là tỉnh có lượng mưa năm thuộc loại lớn của vùng Bắc Trung Bộ, đây là một trong những nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tâm mưa lớn nhất là Nam Đông - Bạch Mã có lượng mưa trung bình hàng năm từ 3400 ÷ 4000mm...
PV: Những thuận lợi và khó khăn khi triển khai bảo vệ, khai thác tài nguyên nước trên địa bàn là gì, thưa ông?
Ông Lê Bá Phúc:
Thời gian qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước trên địa bàn đạt hiệu quả nhờ nhiều yếu tố thuận lợi. Hệ thống văn bản pháp luật tương đối đầy đủ với các văn bản pháp lý, hướng dẫn thực thi các Luật và Nghị định cơ bản đã được soạn thảo, ban hành và cập nhật theo từng giai đoạn để phù hợp với tính hình bảo vệ, quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước.
Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa cùng với dân số ngày càng tăng đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước mặt nói riêng. Năng lực bảo đảm nước của các công trình thủy lợi, thủy điện chưa theo kịp với nhu cầu sử dụng nước hiện nay. Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước chưa thực hiện thường xuyên và lực lượng ở cơ sở còn hạn chế.
Nguồn tài nguyên nước tại Thừa Thiên - Huế rất đa dạng, trong ảnh là một góc hệ thống lưu vực sông Hương |
Biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng... đã tác động mạnh mẽ đến nguồn nước ở các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh, khiến một bộ phận dân cư nằm ngoài phá ven biển hiện đang đối mặt với vấn đề thiếu nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất. Quan niệm “nước là của trời cho” vẫn còn in sâu trong tiềm thức phần lớn người dân, dẫn đến ý thức sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước kém, gây lãng phí nguồn nước sạch.
PV: Vậy tỉnh đã xây dựng, triển khai những giải pháp, đề án gì để phát triển bền vững tài nguyên nước?
Ông Lê Bá Phúc:
Xác định tài nguyên nước giữ vai trò quan trọng, đòi hỏi quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước phải hợp lý, hiệu quả, mang tính bền vững; những năm qua, tỉnh cùng các Sở, ban, ngành, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý nguồn nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường trước diễn biến của biến đổi khí hậu.
Thời gian tới, để tăng cường quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện. Bởi hiện nay, các hồ chứa như Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền..., các công trình ngăn mặn như Thảo Long, Cửa Lác cùng các hệ thống thủy điện lớn nhỏ, kênh mương cơ bản đáp ứng được yêu cầu về nguồn nước phục vụ ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao về kinh tế, kiểm soát tốt về chất lượng và nguồn nước cần áp dụng công nghệ quản lý tưới hiện đại và tiên tiến.
Lưu vực sông Hương chiếm gần 3/5 diện tích tự nhiên của tỉnh, UBND tỉnh và Bộ TN&MT đã cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cho 27 tổ chức và cá nhân; trong đó Giấy phép khai thác sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt là 14 giấy phép, cho mục đích thủy điện là 13 giấy phép.
Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế và văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài nguyên nước. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thủy lợi, tài nguyên nước với trọng tâm là cán bộ cấp huyện, cấp xã. Cải tiến, hợp lý hóa quy trình sử dụng nước; áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; tích trữ nước mưa để sử dụng.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Để khai thác, quản lý, phát triển bền vững tài nguyên nước, thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng, thực hiện Đề án lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, hồ và Đề án Điều tra, đánh giá, khoanh định vùng hạn chế và vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!