Bình Định triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Môi trường - Ngày đăng : 22:12, 28/09/2021

(TN&MT) - Ngày 28/9, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định có Công văn số 2454 về việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên phạm vi toàn tỉnh.

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội Khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Đốt rác gây ô nhiễm môi trường

Nhằm triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 hiệu quả, kịp thời và đồng bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch số 73, ngày 22/6/2021 về việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường; trong đó phân công trách nhiệm cụ thể việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường của các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục đích của Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường là tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường.

Đồng thời, rà soát ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh, UBND tỉnh để ban hành, triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Xác định cụ thể nội dung, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Rác sinh hoạt vứt bừa bãi tại các vùng nông thôn

Để việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thuận lợi, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, tổng hợp, giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật và phân tách trách nhiệm chính của UBND cấp huyện, UBND cấp xã và của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Luật tại các phụ lục như: Giới thiệu về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Trách nhiệm của chủ dự án trong việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Sở TN&MT Bình Định tổ chức cuộc thi chống rác thải nhựa để tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định thì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có những nội dung chính sách, quy định mới như: Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính. Đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước.

Cộng đồng các địa phương chung tay nói không với rác thải nhựa để bảo vệ môi trường

Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương. Lần đầu chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp.

Cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước. Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

Mỹ Bình