Ghi nhận thêm 10.011 ca mắc COVID-19 trong nước
Xã hội - Ngày đăng : 20:01, 26/09/2021
Ảnh minh họa |
Thông tin các ca nhiễm mới
Tính từ 17h ngày 25/9 đến 17h ngày 26/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.011 ca nhiễm mới trong nước (tăng 329 ca so với ngày trước đó) tại 35 tỉnh, thành phố (có 5.313 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (5.121), Bình Dương (3.332), Đồng Nai (746), Long An (171), Kiên Giang (99), An Giang (81), Tiền Giang (63), Cần Thơ (52), Đắk Lắk (49), Hà Nam (49), Khánh Hòa (38), Tây Ninh (37), Bình Phước (27), Quảng Bình (24), Gia Lai (17), Bình Định (14), Ninh Thuận (12), Đồng Tháp (10), Bình Thuận (9), Đà Nẵng (8 ), Phú Yên (7), Hậu Giang (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (5), Bạc Liêu (5), Quảng Trị (4), Cà Mau (3), Đắk Nông (3), Vĩnh Long (3), Quảng Ngãi (3), Nghệ An (3), Lâm Đồng (2), Quảng Nam (2), Thừa Thiên Huế (2), Thanh Hóa (2), Hà Nội (2).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương ( giảm 297), Đồng Nai (giảm 250), Bình Phước (giảm 120).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (1.075), Đắk Lắk (40), Gia Lai (17).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 9.938 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 756.689 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.689 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 752.185 ca, trong đó có 522.747 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (371.660), Bình Dương (200.196), Đồng Nai (45.667), Long An (31.789), Tiền Giang (13.787).
Tình hình điều trị
Trong ngày có 11.477 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 527.926 người. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.321 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.723 người; thở ô xy dòng cao HFNC: 728 người; thở máy không xâm lấn: 119 người; thở máy xâm lấn: 719 người; can thiệp ECMO: 32 người.
Tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 184 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (131), Bình Dương (26), Đồng Nai (9), Long An (4), An Giang (4), Tây Ninh (2), Kiên Giang (2), Tiền Giang (2), Đà Nẵng (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Nghệ An (1), Quảng Ngãi (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 213 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.584 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm, tiêm chủng
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 162.977 xét nghiệm cho 432.433 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 17.968.310 mẫu cho 51.559.933 lượt người.
Trong ngày 25/9 có 787.838 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 38.367.246 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.420.963 liều, tiêm mũi 2 là 7.946.283 liều.
Những hoạt động của ngành y tế trong ngày
Tổ chức lễ tiếp nhận vắc xin, trang thiết bị và vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 được chuyển về Việt Nam cùng Đoàn công tác của Chủ tịch nước, trong đó có 1,05 triệu liều vắc xin Abdala trong hợp đồng 10 triệu liều mua của Cuba.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế chỉ đạo Ngành Y tế địa phương tiếp tục thực hiện tiêm chủng miễn phí cho các đối tượng đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả; nghiêm cấm mọi hành vi thu phí, trục lợi từ tiêm vắc xin phòng COVID-19 dưới bất kỳ hình thức nào (Công điện số 1478/CĐ-BYT ngày 26/9/2021 của Bộ Y tế).
TP. Hồ Chí Minh xây dựng phương án hoạt động sau ngày 30/9, trong đó vận tải hàng hóa thiết yếu sẽ được ưu tiên. Nguyên tắc chung là người ngồi trên xe phải đảm bảo các điều kiện được phép lưu thông của ngành y tế, tuân thủ đúng quy định 5K. Với số lượng doanh nghiệp nhiều, Thành phố dự thảo kế hoạch đón công nhân, lao động trở lại làm việc với mục tiêu là tạo điều kiện cho lao động nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch.
Công tác xét nghiệm toàn thành phố trong 6 đợt có kết quả như sau: Đối với vùng cam và đỏ, thực hiện lấy mẫu bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh với tỷ lệ dương tính giảm từ 3,7% trong đợt 1 xuống còn 1,1% trong đợt 6. Đối với vùng xanh, cận xanh và vàng, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp theo đại diện hộ gia đình. Tỉ lệ dương tính vùng xanh - cận xanh và vùng vàng lần lượt giảm từ 0,9% và 1,8% trong đợt 1 xuống còn 0,7% và 0,9%.
TP. Hà Nội xây dựng 4 kịch bản dạy học ứng phó với diễn biến của dịch COVID-19. Trong những kịch bản này có việc tổ chức cho học sinh lớp 6, lớp 9, lớp 10 và lớp 12 ở “vùng xanh” được đến trường học tập. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng cơ quan y tế xây dựng dự thảo bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trường học và hướng dẫn chi tiết phòng chống dịch COVID-19 tại trường để có thể đón học sinh trở lại trường.
TP. Phủ Lý, Hà Nam tiếp tục thiết lập 173 khu vực phong tỏa nhỏ hẹp để xét nghiệm tầm soát, bóc tách F0. Đến nay, TP Phủ Lý cũng đã tiến hành điều tra truy vết được 1.448 đối tượng F1 và đã đưa đi cách ly tập trung 564 người. Ra quyết định cách ly tại nhà với 5.579 trường hợp F2 theo quy định.