Thẩm định 3 Đề án thăm dò khoáng sản tại Quảng Nam và Hòa Bình
Khoáng sản - Ngày đăng : 18:18, 22/09/2021
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp |
Tại cuộc họp, Hội đồng đã tiến hành thẩm định 3 Đề án thăm dò khoáng sản tại Quảng Nam và Hòa Bình.
Ông Lê Văn Hải – đại diện Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư của Đề án cho biết, đề án thăm dò vàng gốc khu Bãi Gõ, Bãi Đất, mỏ vàng Đắk Sa, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam có mục tiêu cung cấp nguồn quặng cho Nhà máy tuyển luyện vàng Đắk Sa hoạt động đạt công suất thiết kế, nâng cao hiệu quả của Dự án, sau khi phần trữ lượng hiện có cạn kiệt.
Công ty TNHH Vàng Phước Sơn sẽ tiếp tục xác định những đối tượng có tiềm năng trong diện tích dự án đầu tư được Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molip đen Việt Nam đến năm 2025, có xét đến năm 2035 để lập Đề án thăm dò tìm thêm tài nguyên hiệu quả kinh tế phục vụ cho sự phát triển bền vững của Dự án.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Ủy viên Hội đồng cho rằng, đơn vị tư vấn cần đánh giá về hiện trạng khai thác, nên duy trì mạng lưới thăm dò cũ trên cơ sở số liệu đã tổng hợp. Theo ông Dũng và một số Ủy viên, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn xem xét việc xếp nhóm mỏ cho cả 2 khu mỏ một cách hợp lý, cân nhắc xếp nhóm mỏ 3, đồng thời, trình bày rõ việc lấy và phân tích các loại mẫu. Đặc biệt, đối với việc lấy và phân tích vàng, bạc, chì, kẽm hàm lượng cao, đơn vị tư vấn cần trình rõ việc lấy và phân tích như thế nào, bởi chì, kẽm ở đây là khoáng sản đi kèm nên cần được tính giá trị thân quặng, xem xét hàm lượng biên, có hệ thống phân tích riêng cho những nhóm khoáng sản này.
Cũng tại cuộc họp, Hội đồng đã thẩm định Đề án thăm dò khoáng sản đá sét làm nguyên liệu xi măng tại thôn Đồng Nhất và thôn Đồng Hải, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và đề án thăm dò khoáng sản laterit làm phụ gia xi măng tại xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Ông Hoàng Quang Nam – đại diện Công ty CP tư vấn tài nguyên môi trường và đầu tư khai khoáng báo cáo tại cuộc họp |
Ông Hoàng Quang Nam – đại diện Công ty CP tư vấn tài nguyên môi trường và đầu tư khai khoáng, đơn vị tư vấn của 2 Đề án cho biết: Khối lượng các công tác thăm dò thiết kế tại 2 Đề án là phù hợp, việc triển khai thi công thăm dò theo thiết kế tại đề án đưa ra sẽ đảm bảo đủ cơ sở để xác định chính xác đặc điểm của thân nguyên liệu đá sét và laterit, đánh giá được đầy đủ chất lượng và trữ lượng đến cấp 121 và cấp 122 trong diện tích thăm dò.
Mục tiêu thăm dò đánh giá trữ lượng sét làm nguyên liệu xi măng là 9.700 nghìn tấn, trong đó, trữ lượng cấp 121 là 1.400 nghìn tấn; trữ lượng cấp 122 là 8.300 nghìn tấn. Mục tiêu thăm dò đánh giá trữ lượng laterit làm phụ gia xi măng là 5.700 nghìn tấn, trong đó, trữ lượng cấp 121 là 1.200 nghìn tấn; trữ lượng cấp 122 là 4.500 nghìn tấn. Ông Hoàng Quang Nam cho rằng, các trữ lượng trên hoàn toàn khả thi.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận định, Đề án thăm dò khoáng sản đá sét làm nguyên liệu xi măng tại thôn Đồng Nhất và thôn Đồng Hải, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình được thành lập theo quy định, với mục tiêu có tính khả thi. Ngoài ra, đơn vị tư vấn đã thu thập đầy đủ tài liệu địa chất khoáng sản để lập Đề án.
Đánh giá về đề án thăm dò khoáng sản laterit làm phụ gia xi măng tại xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Tiến Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, Đề án được thành lập có cơ sở pháp lý, phương pháp, khối lượng cơ bản phù hợp với đối tượng thăm dò, tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần luận giản cơ sở áp dụng mạng lưới thăm dò theo Thông tư 60/2017/TT-BTNMT quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn.
Nhất trí với ý kiến của các ủy viên Hội đồng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên – Chủ tịch Hội đồng yêu cầu các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện và chỉnh sửa lại Đề án theo ý kiến đóng góp của các Ủy viên.