Thị trường địa ốc trong bối cảnh Covid-19: Doanh nghiệp phải thích nghi
Bất động sản - Ngày đăng : 06:12, 16/09/2021
Thích nghi để tồn tại
Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến việc kinh doanh ngày càng khó khăn, để tồn tại, các chủ đầu tư, đại lý môi giới đã và đang thiết lập lại thông tin dự án, chính sách kinh doanh, cách thức và lộ trình bán hàng thông qua các hình thức giao dịch trực tuyến, một số doanh nghiệp BĐS vẫn mở bán dự án mới trong thời điểm hiện nay.
Đơn cử như: Tập đoàn Hưng Thịnh cũng vừa giới thiệu Dự án Moonlight Centre Point (TP.HCM) thông qua hình thức “Livestream”. Còn Tập đoàn Danh Khôi cũng mới giới thiệu Dự án Khu phức hợp Đô thị thương mại dịch vụ và du lịch biển Lagi New City với quy mô 43,4ha tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.
|
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam cho rằng, việc mở bán sản phẩm BĐS qua hình thức trực tuyến trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại một số thành phố lớn đã có những thành quả nhất định. Qua đó cho thấy, các chủ đầu tư đã rất nhanh nhạy và linh hoạt ứng phó với tình hình thực tế. Xu hướng này bắt đầu từ năm ngoái, nhưng chưa gây sự chú ý của thị trường BĐS. Sang năm 2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nhiều hơn, xu hướng này cho thấy nhiều lợi ích và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Còn theo CBRE, đây cũng là thời điểm để nhà đầu tư tìm được sản phẩm BĐS giá rẻ hơn, có nhiều cơ sở để đàm phán. Đối với nhà đầu tư “phòng thủ”, nên cân đối dòng tiền, tái cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư sau dịch; còn nhà đầu tư có “tiềm lực” có thể tận dụng thời cơ tìm sản phẩm rẻ để trữ. Riêng các nhà đầu tư mới nếu có cơ hội cũng có thể tham gia thị trường, vì đây là khoảng thời gian im ắng, dễ tìm được sản phẩm phù hợp, nhưng phải kiểm soát được rủi ro về dòng tiền, nguồn tài chính của mình, vì đại dịch đang tác động rất lớn đến lĩnh vực BĐS nói riêng.
Vẫn còn có cơ hội
Ông Lê Hoàng - Quản lý Cao cấp Mảng định giá Propzy nhận định, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng thời gian gần đây, thị trường BĐS tại TP.HCM nói riêng đang có lợi cho nhà đầu tư BĐS. Bên cạnh đó, so sánh với đợt “khủng hoảng” lần trước có những yếu tố khác biệt. Đó là trong thời gian dịch bệnh, lãi suất ngân hàng duy trì ổn định và đang ở mức thấp nhất trong khoảng 10 trở lại đây. Nên gánh nặng trả nợ của nhà đầu tư và doanh nghiệp không bị tăng lên, triển vọng kênh BĐS vẫn đang được đánh giá tốt. Tuy nhiên, về dài hạn còn tùy thuộc tiến độ tiêm vắc-xin đồng bộ, mới mong thị trường BĐS sớm hồi phục.
“Hiện tại, các doanh nghiệp địa ốc đang tích cực bám sát thị trường BĐS, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức bán hàng trực tuyến… để tồn tại và đảm bảo phát triển ổn định trong thời gian tới”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA
Ông Trần Khánh Quang - Chuyên gia BĐS cho rằng, thời điểm này, đầu tư BĐS là “trong nguy có cơ”, có thể đầu tư BĐS vùng ven, bởi theo khảo sát hiện nay, chưa thấy có hiện tượng bán tháo BĐS, mọi người đang chờ đợi qua dịch để phát triển trở lại. Dự đoán sau dịch sẽ có cơn “sốt” nhẹ, có thể thời điểm này cần chọn lọc, chọn lựa cẩn thận để đầu tư. Nếu đầu tư nên chọn những chủ đầu tư có sản phẩm bàn giao từ năm 2023 là an toàn hơn các chủ đầu tư đưa ra chính sách thanh toán kéo dài. Đó là cơ hội để đầu tư BĐS mùa dịch, nhưng lưu ý về pháp lý phải đầy đủ.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch BĐS thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì hoạt động. Hầu hết các sàn giao dịch đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch địa ốc chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như đã phải tạm dừng hoạt động.
“Tuy nhiên, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực kinh doanh BĐS vẫn tăng mạnh. 6 tháng đầu năm 2021, kinh doanh BĐS là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh - tăng 44,8%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là 831 doanh nghiệp - tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020”, ông Châu cho hay.