Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước đồng bộ và hiệu quả

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:04, 15/09/2021

(TN&MT) - Việc thiếu văn bản quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật gây khó khăn cho các cấp quản lý và cán bộ kỹ thuật thực hiện công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước. Vì vậy, xây dựng và ban hành Thông tư kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước để tạo hành lang pháp lý cho công tác này rất cần thiết.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo

Đây là đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tại cuộc họp trực tuyến với Thứ trưởng Lê Công Thành về tình hình xây dựng Dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, sáng 15/9, tại Hà Nội.

Chú trọng quan trắc, dự báo, cảnh báo

Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh cho biết, mạng lưới quan trắc tài nguyên nước quốc gia bao gồm các trạm quan trắc nước mặt và các công trình quan trắc nước dưới đất. Hiện nay, Trung tâm đang vận hành 6 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt từ năm 2013. Ngoài ra, hiện có 7 trạm quan trắc nguồn nước xuyên biên giới do Cục Quản lý tài nguyên nước quản lý và 90 trạm lồng ghép thủy văn - tài nguyên nước (Quyết định 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ Tướng Chính phủ do Tổng cục Khí tượng thủy văn quản lý. Cùng với đó, còn có các trạm quan trắc được vận hành bởi mạng địa phương và mạng dùng riêng.

Với mạng quan trắc nước dưới đất, Trung tâm đang vận hành từ năm 1988 đến nay, bao gồm: 941 công trình quan trắc, trong đó, có 134 công trình quan trắc tự động, 491 công trình quan trắc bán tự động, 316 công trình quan trắc thủ công.

Trong năm 2021, Bộ TN&MT tiếp tục phê duyệt và thực hiện bổ sung xây dựng hoàn thiện mạng quan trắc quốc gia tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 9 điểm với 31 công trình quan trắc (nguồn vốn WB, giai đoạn 2), thực hiện đầu tư dự án xây dựng 66 điểm với 81 công trình quan trắc khu vực Duyên Hải Nam Trung bộ tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, tiến tới năm 2025 sẽ hoàn thiện mạng quan trắc quốc gia tài nguyên nước dưới đất trên 5 vùng quan trắc (Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ) theo hướng tự động hóa, đồng bộ, hiện đại.

Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện thông báo, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước với 13 lưu vực sông và 43 tỉnh trên toàn quốc. Các bản tin dự báo cảnh báo tài nguyên nước theo thời hạn tháng, mùa, năm và đột xuất (nếu có theo yêu cầu) được xuất bản định kỳ, cung cấp thông tin cho các cấp quản lý và các sở địa phương. Tuy rằng Trung tâm đã thực hiện công tác dự báo, cảnh báo từ năm 2013 đến nay nhưng chưa hề có thông tư quy định kỹ thuật hướng dẫn cho công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước. Trung tâm đã xây dựng ISO 2015, trong đó, có lưu đồ quy trình thực hiện dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, tuy nhiên, không còn thích hợp với các bản tin theo thời đoạn và phạm vi dự báo như hiện nay, cần phải xây dựng quy định kỹ thuật mới phù hợp.

Nhận diện những khoảng trống văn bản pháp lý

Có thể thấy, công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước tuy được thực hiện từ rất lâu và là nhiệm vụ thường xuyên được Bộ TN&MT giao theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, nhưng chưa được hoàn thiện về văn bản pháp lý, quy định kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật để có căn cứ thực hiện công tác này.

Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Tống Ngọc Thanh, hiện nay, về quan trắc tài nguyên nước chỉ có Thông tư số 19/2013/TT-BTNMT ngày 18/7/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành về quy định kỹ thuật quan trắc tài nguyên nước dưới đất, tuy nhiên, chưa quy định đầy đủ đối với các dạng quan trắc thủ công, bán tự động, tự động. Đối với tài nguyên nước mặt chưa có quy định kỹ thuật. Vì vậy, để triển khai công tác quan trắc tài nguyên nước mặt, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã thực hiện theo Thông tư số 26/2012/TT-BTNMT ngày 28/12/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc thủy văn nhưng còn nhiều bất cập do thủy văn khác với tài nguyên nước.

Quan trắc thủy văn bao gồm các yếu tố H (mực nước), Q (lưu lượng nước), T (nhiệt độ), U (độ ẩm), bùn cát tại các trạm thủy văn, thủy văn - tài nguyên nước. Quan trắc tài nguyên nước bao gồm các yếu tố H, Q, T, U, bùn cát tại các trạm quan trắc giám sát tài nguyên nước; trạm thủy văn - tài nguyên nước; các vị trí khống chế nguồn nước; vị trí giám sát hồ chứa tuân thủ quy trình vận hành; các vị trí giám sát dòng chảy tối thiểu. Vì vậy, công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước cũng hoàn toàn khác biệt với công tác dự báo thủy văn. Các yếu tố dự báo tài nguyên nước bao gồm lưu lượng nước, mực nước, tổng lượng nước, lượng nước có thể khai thác sử dụng, cảnh báo nguy cơ cạn kiệt thiếu nước, xu thế ô nhiễm nguồn nước, cảnh báo nguy cơ cạn kiệt tầng chứa nước… tại các vị trí thực hiện quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, trên phạm vi lưu vực sông, tỉnh, thành phố, nguồn nước nội tỉnh, liên tỉnh.

Đối với công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định kỹ thuật cho dạng công tác này. Để thực hiện công tác cảnh báo dự báo tài nguyên nước, Trung tâm đã chủ động xây dựng Lưu đồ quy trình thực hiện dự báo, cảnh báo tài nguyên nước và được đưa vào ISO 2015 bao gồm các bước thực hiện dự báo, cảnh báo tài nguyên nước tuy nhiên chưa thể hiện hết với các loại hình dự báo hiện nay. Đối với định mức kinh tế - kỹ thuật, có Thông tư số 01/2015/TT-BTNMT ngày 9/1/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc và dự báo tài nguyên nước nhưng chủ yếu đề cập đến quan trắc, dự báo tài nguyên nước dưới đất theo phương pháp thống kê, chưa đề cập đến các phương pháp khác và cũng chưa đầy đủ với các yếu tố và loại hình quan trắc dự báo, cảnh báo tài nguyên nước.

Ông Tống Ngọc Thanh đánh giá, việc thiếu văn bản quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật gây khó khăn cho các cấp quản lý và cán bộ kỹ thuật trong việc thực hiện công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước.

Thiết lập công cụ quản lý đồng bộ

Sau khi được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Dự thảo Thông tư, Trung tâm quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và hoàn thiện.

hinh-quan-trac-2.jpeg

Quan trắc nguồn nước

Dự thảo Thông tư quy định về kỹ thuật quan trắc tài nguyên nước tại Khoản 2 Điều 28 Luật Tài nguyên nước; công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Tài nguyên nước; định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước. Thông tư này áp dụng cho các nội dung: nhiệm vụ quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước. Thông tư áp dụng với hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước quốc gia; các tổ chức, cá nhân có hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước.

Theo đó, về quy định kỹ thuật quan trắc tài nguyên nước mặt bao gồm: Quan trắc mực nước mặt; Quan trắc nhiệt độ nước mặt; Quan trắc lưu lượng nước mặt; Quan trắc lưu lượng chất lơ lửng; Quan trắc chất lượng nước mặt.

Quy định kỹ thuật quan trắc tài nguyên nước dưới đất bao gồm: Quan trắc mực nước dưới đất; Quan trắc nhiệt độ nước dưới đất; Quan trắc lưu lượng nước điểm lộ; Quan trắc chất lượng nước dưới đất; Bơm thông rửa công trình quan trắc.

Quy định kỹ thuật dự báo tài nguyên nước mặt bao gồm: Dự báo lưu lượng nước; Dự báo mực nước; dự báo tổng lượng nước mặt; Dự báo lượng nước mặt có thể khai thác sử dụng; Xu thế mức độ ô nhiễm; Xu thế mức độ xâm nhập mặn; Cảnh báo nguy cơ cạn kiệt, thiếu nước mặt; Cảnh báo khả năng đáp ứng của nguồn nước mặt cho các mục đích khai thác sử dụng; Cảnh báo khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước mặt.

Quy định kỹ thuật dự báo tài nguyên nước dưới đất gồm: Dự báo mực nước, lưu lượng điểm lộ nước dưới đất; Dự báo tổng lượng nước dưới đất; Dự báo lượng nước dưới đất có thể khai thác sử dụng; Xu thế, mức độ ô nhiễm; Xu thế, mức độ xâm nhập mặn; Cảnh báo mức độ suy giảm mực nước; Cảnh báo nguy cơ cạn kiệt tầng chứa nước; Cảnh báo khả năng đáp ứng chất lượng nguồn nước dưới đất cho các mục đích khai thác sử dụng.

Về quy định kỹ thuật xây dựng bản tin tài nguyên nước gồm; Xây dựng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước thời hạn 10 ngày; Xây dựng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước thời hạn tháng; Xây dựng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước thời hạn mùa; Xây dựng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước thời hạn năm; Xây dựng nội dung bản tin chuyên đề tài nguyên nước.

Về dự báo, cảnh báo tài nguyên nước gồm: Xây dựng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước lưu vực sông thời hạn 10 ngày; Xây dựng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước lưu vực sông thời hạn tháng; Xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước lưu vực sông thời hạn mùa; Xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước thời hạn năm; Xây dựng nội dung bản tin chuyên đề tài nguyên nước.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến bổ sung về nội dung, tiến độ hoàn thành dự thảo Thông tư nhằm hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Trên cơ sở các ý kiến, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận tinh thần cố gắng của các đơn vị trong việc triển khai thực hiện xây dựng dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước.

Thứ trưởng yêu cầu Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia - đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đơn vị tại cuộc họp. Đồng thời, Trung tâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam vận dụng linh hoạt, kế thừa các quy định đã có, tránh chồng chéo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo Thông tư. Kịp thời đăng tải dự thảo Thông tư lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ và lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân quan tâm đến Dự thảo và các ý kiến góp ý bằng văn bản của các Bộ ngành liên quan.

Phương Anh