Thị trường khách sạn phía Nam: Thay đổi để thích ứng

Bất động sản - Ngày đăng : 17:32, 18/08/2021

(TN&MT) - Trong quý 2/2021, làn sóng Covid-19 thứ 4 một lần nữa đánh mạnh vào ngành du lịch nội địa và từ đó tác động đáng kể đến phân khúc khách sạn. Tuy vậy, tình hình hoạt động cải thiện khi nhiều khách sạn tầm trung đăng ký làm cơ sở cách ly có thu phí. Mặc dù thị trường chung vẫn còn nhiều khó khăn, triển vọng phục hồi và phát triển sau đại dịch tiếp tục được kỳ vọng tích cực trong khu vực với nhu cầu du lịch tăng cao hậu Covid-19.

Ảnh minh họa

Theo Savills Việt Nam, trước làn sóng dịch Covid lần thứ 4 bùng phát vào quý 2/2021, thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khiến cho nhu cầu lưu trú khách sạn sụt giảm, 17 dự án khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động. Nguồn cung giảm 11% theo quý ở cả ba phân khúc, còn 13.400 phòng với 103 khách sạn hoạt động. Tuy nhiên, nguồn cung tăng 7% theo năm với 28 dự án hoạt động trở lại, một nửa trong số đó được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có tính phí. Nhu cầu cách ly tập trung đến từ nguồn khách nhập cảnh và khách trong nước tiếp tục tăng.

Trong quý 2, có 8 khách sạn cách ly mới đi vào hoạt động, nâng tổng số khách sạn làm cách ly lên 25 dự án, cung cấp hơn 3.000 phòng. Đa số các khách sạn cách ly tập trung ở quận 1, 3, 5, 7 và Tân Bình (TP.HCM). Công suất quý 2 đạt 18%, tăng nhẹ 1% theo quý do nguồn cung giảm. So với thời điểm quý 2/2020 khi dịch Covid lần đầu bùng phát, công suất quý này cao hơn 5 điểm phần trăm với tổng số phòng được thuê tăng 53% theo năm. Công suất tăng xuất phát từ nhu cầu lưu trú dài hạn và tỷ lệ lấp đầy của khách sạn cách ly đạt trên 60%. 

Theo bà Võ Thị Khánh Trang - Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam, khảo sát của Savills dựa trên tình hình hoạt động các khách sạn còn mở cửa mà không bao gồm các khách sạn tạm dừng đón khách do không thể duy trì hoạt động dưới tác động của dịch Covid-19. Con số 18% hiện đã là mức công suất rất thấp so với trung bình 70% của thời kỳ trước khi dịch bùng phát trên phạm vi toàn thế giới. Tại thời điểm khảo sát, đa phần lượng phòng đã được cho thuê đến từ nhu cầu cách ly nhập cảnh và cách ly phòng dịch, ngoài ra các dự án vẫn ghi nhận một lượng nhu cầu hạn hữu hơn đến từ các chuyên gia, khách đi công tác cần thiết phải lưu trú dài hạn tại TP.HCM.

Số liệu từ Sở Du lịch TP.HCM cho thấy, doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 19% theo năm, Thành phố có hơn 7 triệu khách nội địa. Triển vọng sau đại dịch của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn với sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng. Đến cuối năm 2023, TP.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn, 70% đến từ các thương hiệu tên tuổi như: Fusion, Hilton và InterContinental. 

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, trong đó miễn dịch cộng đồng là yếu tố then chốt. Việt Nam nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2021. Tại một số nước trên thế giới, việc bắt đầu áp dụng “hộ chiếu vacxin” cũng đang là một xu hướng được ưa chuộng, với hi vọng vực dậy ngành kinh tế không khói ngay khi đại dịch đi qua. 

Cũng theo bà Trang, dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập Việt Nam từ đầu năm 2020 thì cho đến nay biến động của ngành du lịch nói chung và ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú nói riêng phụ thuộc hoàn toàn vào công tác kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Nhu cầu dịch chuyển và lưu trú của khách du lịch nội địa là rất lớn, có thể quan sát rất rõ ở các giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát. Hiện nay, chúng ta đang trải qua đợt bùng phát dịch thứ 4, cũng là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất với so ca nhiễm tăng nhanh và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Do đó, mọi dự báo về ngành du lịch trong năm 2021 vẫn còn phải bỏ ngõ khi các biện pháp hạn chế đi lại ngày càng được thắt chặt.

Bà Trang cho rằng, trong trung và dài hạn, việc đẩy mạnh tiêm chủng vacxin đã được Chính phủ nước ta cũng như các nước trên thế giới xác định là chiến lược chính yếu để kiểm soát đại dịch và là chìa khóa mở cửa biên giới toàn cầu. Hiện tại, đã có nhiều quốc gia bắt đầu thí điểm "hộ chiếu vacxin" và từng bước dỡ bỏ một số hạn chế trong cách ly phòng dịch. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên thế giới còn ở mức thấp thì việc dựa vào "hộ chiếu vacxin" để vực dậy ngành du lịch chỉ là tiền đề hữu hạn. Việc phục hồi hoàn toàn ngành du lịch chỉ có thể xảy ra khi toàn thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng, dự kiến nhanh nhất là vào năm 2023 khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Thục Vy