An sinh xã hội song song với bảo vệ môi trường theo cách làm của huyện miền núi Mường Ảng

Môi trường - Ngày đăng : 19:08, 16/08/2021

(TN&MT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều công nhân có nguy cơ bị mất việc làm ở các nhà máy. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì đây là cơ hội thách thức cho nhiều địa phương. Trong đó có Mường Ảng, là một trong những huyện của tỉnh Điện Biên thực hiện tốt chính sách an sinh, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid -19; vừa phục hồi, thúc đẩy việc sản xuất vùng nguyên liệu cà phê gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Từ việc thu hút, mở rộng quy mô gắn với bảo vệ môi trường...

Với diện tích hơn 2.000ha cây cà phê huyện Mường Ẳng (tỉnh Điện Biên) năm nay ước thu hoạch khoảng hơn 20.000 tấn quả cà phê tươi. Trong khi đó, mỗi 1 tạ quả cà phê tươi thì sẽ phải thải ra môi trường khoảng 40kg vỏ, chưa tính nước thải từ việc xát vở cà phê. Nếu đem sản lượng cà phê của cả huyện Mường Ảng hơn 20.000 tấn nhân lên với 40kg/tạ quả tươi thì có khoảng 800 tấn vỏ cà phê, (chưa kể lượng nước nước dùng xát vỏ cà phê) thải ra môi trường.

Nhà máy sơ chế cà phê tại bản Co Có, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, công suất thiết kế ban đầu đạt 250 tấn/ngày/đêm.

Tuy nhiên, mùa thu hoạch cà phê chỉ diễn ra tròng vòng 1 đến 2 tháng. Nên việc ô nhiễm môi trường từ những cơ sở chế biến cà phê cũng mang tính thời vụ, không thường xuyên, không kéo dài. Song, với mục tiêu tận dụng vỏ quả cà phê để làm phân bón vi sinh, tiết kiệm chi phí gắn với bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu của các hộ dân, cơ sở sản xuất sơ chế cà phê huyện Mường Ảng nói chung và yêu cầu của chính quyền huyện nói riêng.

Đến nay, phần lớn các hộ dân và cơ sở sơ chế cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo vệ môi trường đồng thời tận dụng vỏ quả cà phê để ủ làm phân vi sinh bón lại cho cây cà phê nhằm giảm chí phí.

Là một trong những đơn vị thu mua cà phê tươi trên địa bàn huyện Mường Ảng với số lượng lớn (khoảng 12.000 tấn trong năm 2020), ông Phạm Bá Phương, Phó Giám đốc điều hành Cty TNHH XNK cà phê Việt Bắc, cho biết: Vụ thu mua cà phê năm nay, chúng tôi ước tính thu mua khoảng 2.000 tấn. Và cũng đã có phương án xử lý môi trường cụ thể để đảm bảo tiêu chuẩn theo đúng của Kế hoạch đánh giá tác động môi trường hằng năm.

 

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích gần 3ha để xây dựng Nhà máy sơ chế cà phê. Trước mắt, chúng tôi được tỉnh Điện Biên hỗ trợ 7 năm tiền thuê đất để chúng tôi xây dựng Nhà máy sơ chế cà phê trên địa bàn bản Co Có, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng và toàn bộ hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào. Quy mô của Nhà máy gồm khu vực sát vỏ, khu vực sấy vòng và sấy dải, sân phơi, nhà điều hành, nhà cho công nhân ở và hệ thống xử lí nước tách vỏ, gồm: 11 bể chứa có lót bạt chống thấm để làm bể lắng, bể lọc, bể sục khí, đánh giá ĐTM trước khi xả thải ra môi trường. Công suất thiết kế ban đầu là 250 tấn/ngày/đêm. Và vỏ cà phê chúng tôi sẽ ủ để làm phân vi sinh, cũng cấp lại thị trường phân bón cho người dân.

... đến chính sách an sinh

Với mục tiêu giữ vững diện tích cây cà phê hiện có hơn 2.000ha, nhằm đảm bảo chính sách an sinh, giải quyết vấn đề lao động việc làm phổ thông của đồng bào các dân tộc huyện Mường Ảng. Sau rất nhiều năm huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng Nhà máy chế biến cà phê để tiêu thụ cà phê cho người dân hướng đến giải pháp đồng bộ trong việc xử lý môi trường...

Đến nay, tại bản Co Có, xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng đã có được nhà máy đầu tiên sơ chế quả cà phê. Trước đó, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã quy hoạch 15ha đất tại khu vực này để làm Cụm công nghiệp Mường Ảng; sẽ đưa toàn bộ cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, chế biến gỗ... vào Cụm công nghiệp này để tránh việc ảnh hướng đến môi trường sống của các hộ dân.

 Chị Lò Thị Xích, bản Mớ xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng vui nhiều khi năm nay vụ cà phê được mùa, được giá

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư huyện Mường Ảng, cho biết: Trước đây, diện tích cây cà phê toàn huyện hơn 3.000ha. Từ sau khi vụ người dân góp đất cho Công ty CP cà phê Thái Hòa Mường Ảng bị đổ bể, nhiều hộ dân đã phá bỏ vườn cà phê. Chúng tôi phải tuyên truyền vận đồng người dân không chặt phá, chỉ cải tạo lại vườn cây, chặt bỏ những vườn cây đã cỗi. Đến nay diện tích chỉ còn khoảng 2.160 ha, tập trung ở 5 xã và thị trấn.  

Năm nay, cà phê được mùa, rất sai hoa đậu quả. Ước tính sản lượng đạt 10 -12 tấn/ha. Công ty TNHH XNK cà phê Việt Bắc ký cam kết với huyện sẽ thu mua 10.000đ/kg quả tươi; 3 năm liền liên tiếp và giá sẽ được điều chỉnh cao lên nếu thị trường tăng, nhưng không giảm dưới 10.000đ/kg.

Ông Đạt nhận định thêm: Trong tình hình dịch bệnh Covd-19 còn đang diễn biến rất phức tạp, chủ trương giữ lại diện tích cây cà phê là một việc làm đúng đắn. Người dân sẽ có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập. Đời sống của người dân không bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh Covid -19.

Vừa qua, phía Công ty TNHH XNK cà phê Việt Bắc cũng đã đưa ra phương án, nếu tình hình dịch bệnh vẫn chưa ổn định xã hội, chưa được khống chế triệt để, tình huống xấu nhất diễn ra trên địa bàn huyện Mường Ảng thì Công ty xin chủ trương tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, để đảm bảo việc thu hoạch cà phê của các hộ dân: Đảm bảo yêu cầu 5K của Bộ Y tế và những điều kiện đi kèm.

Hiện nay, còn 2 tháng nữa là đến mùa chính vụ cà phê, việc thi công xây dựng Nhà máy cũng được phía Công ty và chính quyền thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Để đến mùa thu hoạch Nhà máy sẽ được đưa vào vận hành, góp phần kiểm soát tốt công tác xử lý môi trường trong việc xát vỏ cà phê.

 

Trần Hương