Đà Nẵng: “3 tại chỗ” gắn liền với bảo vệ môi trường để thực hiện “mục tiêu kép”

Kinh tế - Ngày đăng : 11:10, 11/08/2021

(TN&MT) - Để đảm bảo an toàn cho người lao động, phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất liên tục, nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã chủ động chuyển từ sản xuất bình thường sang trạng thái sản xuất “3 tại chỗ”.

Sẵn sàng “3 tại chỗ”

TP. Đà Nẵng có 5 Khu Công nghiệp (KCN), 1 khu CNTT tập trung, 1 Khu Công nghệ cao (CNC) với 403 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 65.752 lao động. Từ đầu tháng 7/2021 đến nay, đã có 6 doanh nghiệp trong các KCN và Khu CNC có ca mắc Covid – 19.

Trước nguy cơ dịch Covid – 19 có thể bùng phát trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên phương án, chuyển phương thức hoạt động từ sản xuất bình thường sang sản xuất “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ). Điển hình như các đơn vị Công ty CP Quốc tế Vinatex Đà Nẵng, Công ty CP Quốc tế Phong Phú, Trung tâm vận chuyển và kho vận miền Trung; Công ty TNHH Universal Alloy Corporation (UAC)…..

Doanh nghiệp tại Đà Nẵng nỗ lực phòng dịch, thực hiện mục tiêu kép

Ông Nguyễn Chí Trực – Giám đốc Công ty CP Vinatex Quốc tế chi nhánh Đà Nẵng cho biết, ngay khi dịch có nguy cơ xâm nhập vào các KCN Đà Nẵng, công ty đã chủ động áp dụng chuyển trạng thái hoạt động sang sản xuất “3 tại chỗ” từ ngày 17/7.

“Công ty sẵn sàng chấp nhận chi phí phát sinh cho sản xuất “3 tại chỗ” để đổi lấy an toàn và uy tín của công ty. Doanh nghiệp muốn duy trì sản xuất an toàn, đảm bảo chuỗi cung ứng sản xuất, phòng chống Covid – 19 thì chủ động trong sản xuất “3 tại chỗ" là cần thiết”, ông Trực nói.

Công tác phòng dịch, giữ vệ sinh môi trường nơi làm việc được các doanh nghiệp chú trọng

Ông Nguyễn Chí Trực cho biết, trước khi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, nhà máy đã tuyên truyền, vận động để công nhân hiểu và đồng tình. Theo ông Trực, đi làm, trở về và sinh hoạt tại địa phương trong điều kiện dịch bệnh thì có nguy cơ người lao động sẽ không an toàn, có khả năng mang mầm bệnh vào công ty. Vì vậy, ở lại công ty là cần thiết. May mắn là người lao động cũng hiểu chống dịch là nhiệm vụ của tất cả mọi người dân, trong đó có những người công nhân vì vậy họ rất đồng lòng, họ cũng nghĩ đó là giải pháp tốt nhất trong giai đoạn hiện nay.

Không lơ là trong bảo vệ môi trường

Trước sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt khi không gian làm việc trong các doanh nghiệp thường kín và chật hẹp, việc tiếp xúc gần thường xuyên diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, LĐLĐ tỉnh, Ban Quản lý KCN cao và các KCN Đà Nẵng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cấp Công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, giữ sạch sẽ môi trường làm việc.

Người lao động trước khi vào phòng làm việc, nơi sản xuất đều phải đo nhiệt độ, sát khuẩn

Theo ghi nhận của PV, tại hầu hết các nhà máy trong KCN tại Đà Nẵng đều chấp hành tốt công tác phòng dịch. Trước khi di chuyển vào nơi làm việc, đều có cán bộ phụ trách đo thân nhiệt và có sổ theo dõi thông tin để báo cáo, truy vết. Tại nơi làm việc, yêu cầu 100% đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách hàng, giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Tại các khu vực vệ sinh đều bố trí xà phòng và Gel sát khuẩn. Thiết lập nội quy ăn trưa về khoảng cách, tiến hành ăn ca bằng khay. Mọi dụng cụ nhà bếp được vệ sinh sạch sẽ và tráng nước đun sôi.

Công tác phun khử khuẩn bằng Cloramin B tại các khu vực nhà để xe, khu vực làm việc với tần suất 3 lần/tuần. Một thách thức về ô nhiễm môi trường khi mỗi ngày có hàng trăm chiếc khẩu trang đã qua sử dụng do công nhân vứt bỏ cũng được ban quản lý KCN lưu tâm, quán triệt để có giải pháp xử lý hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng chủ động “3 tại chỗ” để đảm bảo sản xuất

Bà Phan Thị Hiền, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng cho biết, để bảo đảm phòng dịch, nhất là trong khâu thu gom rác thải tại các KCN, Sở TN&MT đã có những hướng dẫn và giám sát cụ thể đối với từng tình huống. Như vừa rồi ở Đà Nẵng có một số cơ sở, nhà máy có ghi nhận có trường hợp F0 và thuộc diện cách ly y tế thì doanh nghiệp không được phép thu gom, phân loại chất thải nguy hại mà tổ y tế của địa phương sẽ phụ trách hướng dẫn và phối hợp với đơn vị thu gom để đưa đi xử lý theo đúng quy trình.

Hiện nay Đà Nẵng có 2 đơn vị được phép thu gom, xử lý rác thải y tế nguy hại là Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng và Công ty TNHH An Sinh. Ở bên ngoài, Sở TN&MT có trách nhiệm giám sát việc thu gom, xử lý của 2 đơn vị này bảo đảm việc thu gom và phân loại chất thải đúng quy định, tránh lây lan dịch bệnh.

THIẾT LẬP VÙNG XANH AN TOÀN ĐỂ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Những ngày gần đây, TP Đà Nẵng liên tục ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thế nhưng, vẫn có những "vùng xanh" không có ca mắc nào trong vài tháng.

Để giữ được "pháo đài", ngay khi dịch bùng phát, Tổ COVID cộng đồng gồm 15 người của thôn được thành lập. Ngoài chốt chặn lối vào thôn, mỗi thành viên trong tổ có trách nhiệm quản lý 20 nhà dân. Mỗi hộ dân có trách nhiệm phát hiện người lạ xâm nhập.
Các chốt kiểm soát "Bảo vệ vùng xanh" để kiểm soát chặt chẽ những khu vực, cụm dân cư chưa có người nhiễm COVID-19 hoặc đã xét nghiệm sàng lọc diện rộng đảm bảo an toàn.

Các chốt kiểm soát "Bảo vệ vùng xanh" không để người dân, phương tiện tự ý ra vào các khu vực vùng xanh, đúng nguyên tắc "ai ở đâu ở đấy". Người trong khu vực vùng xanh và thân nhân trở về từ khu vực ngoài phạm vi "Bảo vệ vùng xanh" có nghĩa vụ tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc 5K, các quy định phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian giãn cách xã hội.

Việc giao nhận hàng hóa từ người vận chuyển được thực hiện tại các chốt kiểm soát, tiến hành phun khử khuẩn hàng hóa trước khi đưa vào khu vực "Bảo vệ vùng xanh"; khuyến khích thành lập các nhóm tình nguyện vận chuyển, giao hàng hóa đến tận nhà người dân sau khi nhận hàng tại các chốt kiểm soát.

 

 

 

Võ Hà