Ngành KH&CN đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản

Tài nguyên - Ngày đăng : 21:10, 05/08/2021

(TN&MT) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2021, ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Bộ KH&CN đã chú trọng đổi mới công nghệ trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản.

Ngành than chủ động áp dụng công nghệ hiện đại. Ảnh minh họa

Phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19

6 tháng đầu năm, Bộ KH&CN đã huy động lực lượng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam và doanh nghiệp triển khai theo quy trình, đặc biệt các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất vắc xin phòng Covid-19, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát; thúc đẩy hợp tác công - tư trong hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng rất kịp thời tổ chức các buổi làm việc với các nhà khoa học đầu ngành và doanh nghiệp để cập nhật, trao đổi, đề xuất các công nghệ xét nghiệm các chủng vi-rút SARS-CoV-2 mới cũng như tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm lâm sàng vắc-xin phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị cũng được Bộ KH&CN quan tâm. Phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch Covid-19, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch, xây dựng phần mềm khai báo y tế.

Đồng thời, tham gia Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19; huy động các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu kịp thời tạo ra các sản phẩm KH&CN phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ,… Tổ đã thực hiện việc phân tích thông tin dữ liệu lớn kết hợp dịch tễ học và thực tiễn xã hội để cung cấp kịp thời cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch . Bên cạnh đó, đã triển khai miễn phí ứng dụng Microsoft Teams - nền tảng hỗ trợ dạy học trực tuyến và tương tác trực tuyến trong lĩnh vực y tế và giáo dục trên diện rộng.

Hỗ trợ các doanh nghiệp trong khai thác và chế biến khoáng sản

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19, KH&CN đã tiếp tục đồng hành với các ngành, lĩnh vực trong quá trình tái cơ cấu, cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoảng sản, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong việc nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo các thiết bị, linh kiện thủy lực, cột chống thủy lực sử dụng trong các mỏ hầm lò công suất đến 600.000 tấn/năm mà trước đây chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn cung sản phẩm, đảm bảo hoạt động sản xuất liên tục của ngành.

Đáng chú ý, hoạt động KH&CN đã góp phần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tạo ra sản phẩm mới thay thế nhập khẩu trong các ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo nhận định của Bộ KH&CN, việc đầu tư đổi mới công nghệ trong ngành khai thác than và khoáng sản đã góp phần tăng sản lượng than khai thác bình quân 14%/năm. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò đã tăng vượt bậc từ 10 - 80% trong những năm qua.

Điển hình như chế tạo thành công thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng, ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo. Đây là kết quả thực hiện Dự án KH&CN do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chủ trì, đã góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật cho đội ngũ các cán bộ nghiên cứu, kỹ sư, công nhân trong việc làm chủ các vấn đề từ khâu thiết kế, lập quy trình công nghệ, chế tạo thiết bị và thi công các công trình khai thác mỏ sâu; nâng cao năng lực chế tạo trong nước các thiết bị hệ thống trục tải giếng đứng. Đồng thời, góp phần từng bước thay thế hàng nhập ngoại, phát triển nền sản xuất cơ khí trong nước, tiết kiệm ngoại tệ, tạo sự chủ động và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, cho phép giảm giá thành sản phẩm, giảm giá thành sản xuất than, góp phần phát triển bền vững ngành than.

Từ những kết quả đạt được đang được ứng dụng tại mỏ than Núi Béo, các đơn vị trong TKV tiếp tục thực hiện thiết kế Dự án khai thác mỏ hầm lò Khe Chàm II-IV, thẩm tra thiết kế Dự án khai thác dưới mức -150m mỏ than Mạo Khê - là hai mỏ đều được khai thông bằng giếng đứng.

Ngoài ra, kết quả chế tạo một số thiết bị chính cho nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2 - công suất 2 triệu tấn/năm được ứng dụng và mang lại hiệu quả cao. Đây là lần đầu tiên Việt Nam làm chủ về công nghệ tuyển than, thiết kế, chế tạo, lắp đặt hiệu chỉnh hoàn thiện dây chuyền tuyển than công suất lớn, giá thành rẻ hơn so với thiết bị của nước ngoài.

Mai Đan