Quy hoạch sử dụng đất: Cần đảm bảo tính ổn định và kế thừa

Đất đai - Ngày đăng : 14:27, 05/08/2021

(TN&MT) - Để đảm bảo sự ổn định, có tính kế thừa, cân bằng giữa quy hoạch “tĩnh” và quy hoạch “động”, dự kiến kỳ quy hoạch quốc gia là ổn định khoảng 30 năm, tầm nhìn đến 50 năm - Đó là ý kiến của Phó GS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT.

Theo Viện trưởng, khu vực tĩnh là các loại đất cần bảo vệ nghiêm ngặt như: đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Đây là khu vực cần xác định đường ranh giới "đường đỏ", thể hiện rõ ranh giới trên ảnh vệ tinh, bản đồ, từng bước xác định trên bản đồ địa chính, cắm mốc ngoài thực địa, ứng dụng công nghệ cao để giám sát, việc xâm phạm sẽ bị xử lý, ranh giới "đường đỏ" chỉ được điều chỉnh khi được Quốc hội cho phép. Các loại đất cần giữ ổn định như: đất quốc phòng; đất an ninh; đất khu công nghiệp, đất khu kinh tế, đất khu đô thị, đất khu dân cư nông thôn, đất khu du lịch, đất khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Khu vực động là khu vực đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và đất khác được xác định là có thể chuyển mục đích. Đây được gọi là "kho dự trữ" của quốc gia, hàng năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, phân bổ cho các địa phương "chỉ tiêu quy hoạch được phép chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích phi nông nghiệp" trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện của năm trước.

Theo đó, cần đổi mới phương pháp lập, thẩm định để lựa chọn phương án quy hoạch thông qua áp dụng các phương pháp: Xác định vùng giá trị để đánh giá tổng nguồn lực, giá trị tài sản đất đai quốc gia. Dùng phương pháp chi phí - lợi ích để đánh giá và lựa chọn phương án quy hoạch, kế hoạch phù hợp, khả thi.

Đảm bảo sự ổn định, có tính kế thừa, cân bằng giữa quy hoạch “tĩnh” và quy hoạch “động”.

Về đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, ngay trong phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã yêu cầu phải áp dụng nguyên tắc "chia sẻ lợi ích" thông qua các phương án: góp đất, tham gia đầu tư, tự đầu tư...

Để đảm bảo tính khả thi của phương án quy hoạch, đồng thời mang lại hiệu quả cao về mặt xã hội (là sự đồng thuận của người dân), Nhà nước có nguồn thu, có kinh phí để thực hiện thông qua các kỹ thuật về xây dựng phương án quy hoạch: Ngay từ đầu phải có sự tham gia của người dân, các ban, ngành; Bán quyền phát triển quỹ đất để thực hiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Xác định vị trí, diện tích đất để đấu giá đất.

Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện Đề án khai thác quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng do Thủ tướng Chính phủ quyết định; Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện Đề án khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng do UBND cấp tỉnh quyết định; Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng khác để đấu giá quyền sử dụng đất.

Thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước do cơ quan có thẩm quyền quyết định; Đất của tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nhưng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt làm thay đổi mục đích sử dụng đất sang mục đích phát triển kinh tế - xã hội để đấu giá quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, đưa vào quản lý và sử dụng đất các tầng không gian ngầm và phải đảm bảo các quy tắc chung: Tuân thủ quy hoạch sử dụng đất công trình ngầm (CTN), chiến lược khai thác không gian ngầm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Việc sử dụng đất xây dựng CTN có liên quan đến các công trình liên thông ngầm (cả trên, dưới và cùng tầng) thì người có quyền sử dụng đất xây dựng ngầm phải chấp hành nghĩa vụ liên thông ngầm đồng thời bảo đảm việc thực thi công trình liên thông phù hợp với yêu cầu của các quy phạm thiết kế liên quan. Đơn vị xây dựng trước phải để lại chỗ tiếp nối của công trình ngầm liên thông theo dự tính của quy phạm có liên quan, đơn vị xây dựng sau phải phụ trách nghĩa vụ tiếp nối cho CTN liên thông.

Những CTN đã được xác lập quyền sử dụng đất cùng với công trình trên mặt đất thì nằm ngoài phạm vi không gian ngầm của quyền sử dụng đất xây dựng không gian ngầm mới xác lập. Quyền sử dụng đất xây dựng không gian ngầm mới được xác lập không được làm tổn hại đến CTN đã được thành lập trong quá trình sử dụng khai thác không gian ngầm, nếu gây tổn hại thực tế đến CTN được thành lập đúng pháp luật thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Để có thể khai thác sử dụng không gian ngầm một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả, lâu dài và an toàn đòi hỏi chúng ta phải xây dựng được một chiến lược, quy hoạch sử dụng đất theo các tầng không gian ngầm khác nhau. Như vậy, để có cơ chế quản lý hiệu quả, chủ động cần thiết phải xây dựng cho đượcchiến lược khai thác sử dụng đất không gian ngầm.

Chiến lược này phải đánh giá đúng hiện trạng và dự báo phát triển không gian ngầm; đề xuất chiến lược khai thác lâu dài đảm bảo hài hòa với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chiến lược cũng phải đưa ra những bước đi của các giai đoạn quy hoạch phát triển công trình ngầm phù hợp với khả năng nền kinh tế và năng lực khoa học kỹ thuật.

Trường Giang