Cơ hội cho thị trường bất động sản hậu Covid-19
Bất động sản - Ngày đăng : 10:42, 05/08/2021
Khó khăn chồng chất
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Batdongsan.com.vn, sau khi đạt đỉnh trong tháng 3/2021, kể từ nửa cuối tháng 4/2021, mức độ quan tâm đến thị trường BĐS đã có dấu hiệu sụt giảm cùng với sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền. Qua thống kê cho thấy, nhu cầu tìm kiếm của toàn thị trường BĐS tháng 4 giảm gần 18% so với tháng 3/2021. Những điểm “nóng” về mua bán BĐS ở khu vực phía Nam trong 3 tháng đầu năm 2021 tại các tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đều suy giảm mức độ quan tâm trong tháng 4/2021.
“Bước sang tháng 5/2021, dịch bệnh như một cú bồi khiến thị trường BĐS thêm trầm lắng. Dù đã trải qua nhiều đợt dịch trước đó và có kinh nghiệm thích nghi, thị trường BĐS vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đa nguồn lây và biến chủng. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn trong tháng 5/2021 cho thấy, mức độ quan tâm đến BĐS tiếp tục sụt giảm mạnh” - ông Quốc Anh cho hay.
Số liệu thống kê từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, tổng lượng cung mới sản phẩm BĐS cả nước đạt khoảng 129.900 sản phẩm. So với cùng kỳ năm 2020, lượng giao dịch chào bán trên toàn thị trường tăng 10,8%, giao dịch tăng 132,3%. Nhưng so với 6 tháng cuối năm 2020, lượng giao dịch trên toàn thị trường chỉ đạt 83,1%, giao dịch chỉ đạt 87,7%. Trong đó, dòng sản phẩm thấp tầng có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất 47,3%, căn hộ cao cấp đạt tỷ lệ thấp nhất 10,9%.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm, dẫn tới nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm. Nhưng thực tế BĐS tương lai đang đối mặt với áp lực phải tăng giá do đất nền trải qua nhiều “cơn sốt” khiến mặt bằng giá tăng cao; vướng mắc về thủ tục phê duyệt dự án, giá các loại vật liệu xây dựng tăng dẫn đến tăng chi phí, kéo theo giá thành BĐS cũng sẽ tăng.
Mặc dù đang phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng thị trường BĐS được dự báo sẽ có nhiều cơ hội hậu Covid-19 (Ảnh minh họa) |
Vẫn nhiều cơ hội
Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng: Mặc dù thị trường BĐS đã trải qua 6 tháng đầu năm 2021 với đầy rẫy khó khăn, nhưng đây là tình hình chung của cả nền kinh tế, chứ không riêng về lĩnh vực BĐS trước những ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19. Trong 6 tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, có thể thị trường BĐS vẫn chưa vượt qua ngay được những khó khăn này, do phải phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. nhưng vẫn còn đó những cơ hội, đặc biệt là tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, đây được xem là yếu tố then chốt tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường thu hút các nguồn vốn đầu tư.
“Bản thân các doanh nghiệp BĐS cũng đã có sự chủ động, thích ứng với tình hình dịch bệnh để đưa ra những tính toán cẩn trọng hơn trong đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, khi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh (hiện nay dân số thành thị mới chiếm khoảng 40%, dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên 45%), nhu cầu về nhà sẽ rất lớn, đây chính là cơ hội cho thị trường BĐS trong giai đoạn hậu Covid-19” - ông Chiến phân tích.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong khi dòng tiền đang đổ vào chứng khoán thì đây cũng được cho là thời điểm tốt để các doanh nghiệp BĐS chuẩn bị đón dòng vốn “chảy” vào thị trường BĐS khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đồng thời cũng sẵn sàng phương án thay đổi linh hoạt để ứng phó với thị trường bất định, linh hoạt trong việc đào tạo và mở bán trực tuyến vì dịch bệnh có thể sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào.
Nhìn về dài hạn, BĐS Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng. Theo các chuyên gia, BĐS vẫn là “nơi trú ẩn” tài sản vừa đảm bảo tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác. Thêm nữa, từ góc độ nguồn cung sản phẩm có thể thấy đại dịch Covid-19 là rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho thị trường BĐS.
Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, mỗi năm thị trường BĐS tại Hà Nội và thị trường BĐS tại TP.HCM cần khoảng 140.000 căn nhà ở, tuy nhiên nguồn cung sản phẩm BĐS rất hạn chế từ năm 2019. Do đó, nhiều doanh nghiệp BĐS đã thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm. Những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt, danh mục sản phẩm đa dạng, hướng đến nhu cầu ở thực của người mua sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
“Hiện tại, Luật Đầu tư và Luật Xây dựng (sửa đổi) đã có hiệu lực, kỳ vọng sẽ tháo gỡ được một số điểm “nghẽn” của thị trường BĐS. HoREA kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm xem xét ban hành các văn bản quan trọng có liên quan trực tiếp đến các dự án đầu tư, dự án nhà ở để tạo điều kiện tái khởi động lại hàng trăm dự án có sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất thuộc Nhà nước quản lý theo nguyên tắc đảm bảo không làm thất thoát tài sản công và nguồn thu ngân sách Nhà nước”.
Ông Lê Hoàng Châu
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA).