Hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 12:40, 04/08/2021

(TN&MT) - Sáng 4/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã nghe Tổng cục Khí tượng thủy văn báo cáo về Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp trực tuyến

Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược), Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nhiều vấn đề khách quan và chủ quan tác động đến lĩnh vực KTTV. Đặc biệt, năm 2020, khi kết thúc chiến lược giai đoạn trước, ngành KTTV cần phải xây dựng, triển khai thực hiện theo định hướng, giải pháp phát triển mới, với tầm nhìn dài hạn nhiều năm, đặc biệt là triển khai các nhận định, yêu cầu tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Theo ông Trần Hồng Thái, Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030 là phát triển ngành KTTV đạt trình độ, năng lực tương đương các nước tiên tiến của khu vực châu Á; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu KTTV đáp ứng các yêu cầu trong điều hành chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành được thị trường KTTV phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực. Mục tiêu đến năm 2045, trình độ, năng lực ngành KTTV của Việt Nam tương đương các nước phát triển trên thế giới.

Chiến lược cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2030 trong các lĩnh vực: Quan trắc KTTV; Thông tin, dữ liệu, truyền tin và xây dựng tài nguyên số thông tin KTTV; Dự báo, cảnh báo KTTV; Phát triển dịch vụ và thị trường KTTV; Truyền thông KTTV.

Cụ thể, trong quan trắc KTTV, chú trọng phát triển, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV theo hướng tự động hóa, đồng bộ, tăng dày mật độ trạm, ưu tiên phát triển tại các khu vực thường xuyên xảy ra các hiện tượng thiên tai nguy hiểm so với năm 2020. Đồng thời, ưu tiên phát triển trạm KTTV quốc gia, trạm giám sát biến đổi khí hậu (BĐKH) tại các khu vực còn thưa trạm, khu vực trên biển, ven biển, vùng núi Bắc Bộ, Trung Bộ và khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai KTTV.

Theo đó, tự động hóa đạt 100% các trạm khí tượng ven biển và hải đảo; tiếp tục đan dầy và hiện đại hóa hệ thống trạm quan trắc radar. Phát triển, hoàn thiện mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn theo nhu cầu riêng của ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai trong các lĩnh vực đê điều, sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp, hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ, điện lực, khai thác khoáng sản, năng lượng, tài nguyên nước, môi trường.

Đạt 100% quan trắc KTTV theo nhu cầu riêng tại các công trình sân bay, đập, hồ chứa nước, khu vực cảng biển, cầu, tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình, cáp treo, vườn quốc gia, tuyến đường cao tốc, cảng thủy nội địa tổng hợp, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn thuộc các cụm Dịch vụ Kinh tế - Kỹ thuật (DK1), sân bay quân sự phục vụ mục đích quốc phòng an ninh.

Về thông tin, dữ liệu, truyền tin và xây dựng tài nguyên số thông tin KTTV, Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030, hạ tầng CNTT, mạng thông tin chuyên ngành KTTV đạt cấp độ 3-4; ứng dụng được các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào tổng thể các hoạt động KTTV. Bảo đảm 100% số liệu các trạm KTTV quốc gia được thu nhận, kiểm soát, lưu trữ, khai thác theo thời gian thực; 100% số liệu quan trắc KTTV tại các công trình sân bay, đập, hồ chứa nước, khu vực cảng biển, cầu, tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình, cáp treo, vườn quốc gia, tuyến đường cao tốc, cảng thủy nội địa tổng hợp, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa…

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Về dự báo, cảnh báo KTTV, hiện đại hóa công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV, nâng chất lượng dự báo, cảnh báo tương đương các nước tiên tiến của khu vực châu Á, tiệm cận các nước tiên tiến trên thế giới, trong đó đảo đảm dự báo KTTV hàng ngày trong điều kiện bình thường có độ tin cậy đạt 85-90%; dự báo, cảnh báo sớm, tin cậy các thiên tai KTTV.

Dự báo đủ độ tin cậy sự hình thành áp thấp nhiệt đới và bão trước 1-2 ngày; quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 3 ngày, quỹ đạo và cường độ bão trước 5 ngày. Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ trước 3 ngày, ở Trung Bộ trước 2 ngày, ở Nam Bộ trước 10 ngày.

Tăng chất lượng dự báo định lượng mưa lớn trước 2 - 3 ngày lên 10-15% so với năm 2020 (về phạm vi đạt 75%, tổng lượng đạt 60-70%); cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết trước 6 đến 24 giờ. Thông tin phân vùng thiên tai, gồm thiên tai nguy hiểm, mưa lũ, sạt lở được đưa vào 100% hệ thống quy hoạch quốc gia, lồng ghép vào việc xây dựng, triển khai thực hiện tối thiểu đạt 90% các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án trọng điểm của quốc gia.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tăng doanh thu từ hoạt động dịch vụ KTTV của các đơn vị sự nghiệp công lập KTTV, đến năm 2030 đạt 40% kinh phí chi hoạt động thường xuyên do ngân sách Nhà nước bố trí. Đồng thời, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất trong nước các phương tiện đo, trang thiết bị không bao gồm ra đa, vệ tinh sử dụng trong mạng lưới trạm KTTV quốc gia, phấn đấu đến năm 2030 đạt 40%.

Lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu tại cuộc họp

Đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đều thống nhất với các nội dung của Chiến lược, ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Tổng cục KTTV. Theo đó, Dự thảo Chiến lược có quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng, cụ thể, đề ra lộ trình thực hiện thích hợp. Các nội dung, nhiệm vụ đã đáp ứng được yêu cầu về công tác dự báo, cảnh báo KTTV đến năm 2030. Trong Chiến lược có nhiều điểm mới đáng chú ý như vấn đề phát triển dịch vụ KTTV. Khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chiến lược sẽ là một bước ngoặt mới cho ngành KTTV.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, Chiến lược cần đưa ra nhiều hơn các con số cụ thể trong chỉ tiêu đến năm 2030 để thuận lợi cho công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện. Đồng thời, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu cụ thể trong dự thảo nhằm phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta; nhấn mạnh thêm vào hoạt động hợp tác quốc tế về KTTV trong khu vực ASEAN.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành biểu dương Tổng cục KTTV đã xây dựng được dự thảo Chiến lược với nhiều đổi mới theo hướng hiện đại, tiệm cận trình độ phát triển của khu vực và thế giới trong lĩnh vực KTTV. Đồng thời, yêu cầu Tổng cục KTTV cập nhật thêm thông tin từ Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia” trình Ban Bí thư và tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Chiến lược theo ý kiến của các đơn vị tham dự cuộc họp; đảm bảo tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược trong tháng 9/2021.

Thanh Tùng