Thừa Thiên - Huế: Kết hợp hài hòa giữa phòng, chống dịch, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường
Kinh tế - Ngày đăng : 21:15, 25/07/2021
Thu ngân sách tăng
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID - 19, nhằm hạn chế tác động, ảnh hưởng của dịch đối với phát triển KT - XH, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để điều hành linh hoạt, sáng tạo nhiệm vụ phát triển KT- XH.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%. Trong đó, du lịch, dịch vụ tăng trưởng 4,86%, chiếm 47,74% trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 30,33%, tăng trưởng 6,91%; sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 12,64%, tốc độ tăng trưởng 4,66%.
Thu ngân sách 6 tháng đầu năm ở Thừa Thiên Huế tăng mạnh so với cùng kỳ |
Điểm sáng đáng chú ý là thu ngân sách ước đạt 5.357 tỷ đồng, bằng 88,3% dự toán và tăng 33,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 11.772 tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công ước đạt 25,5% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 500 triệu USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ và đạt 54,4% kế hoạch năm. Toàn tỉnh đã huy động vốn ước đạt 54.600 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm. Sở KH&ĐT cho biết thêm, lũy kế đến nay trên toàn tỉnh có 112 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn gần 4 tỷ đôla Mỹ.
Tuy nhiên, các thành viên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19 đã tác động đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh; quy mô nền kinh tế nhỏ, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, do vậy đại dịch COVID -19 bùng phát trở lại đã tác động trực tiếp đến ngành du lịch, lượng khách giảm mạnh. Một số năng lực mới ngành công nghiệp tạo giá trị gia tăng đi vào hoạt động, song chưa có nhân tố mới đột phá, góp phần tăng trưởng quy mô nền kinh tế.
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 nên các dự án khởi công mới cần có thời gian để hoàn thành các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán và tổ chức đấu thầu nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư công. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Tiêu độc khử trùng phòng chống dịch COVID – 19, bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp |
Hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường
Sở TN&MT Thừa Thiên Huế cho hay, trước tình hình bệnh COVID - 19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt mới đây tỉnh có ca dương tính mới sau hơn 50 ngày; để bảo vệ môi trường trong phòng chống dịch, hạn chế thiệt hại, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ra nhiều văn bản, đặc biệt tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn giảm phát sinh chất thải rắn, phân loại đúng, không để lẫn chất thải thông thường và chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 nhằm thuận tiện cho việc thu gom, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2. Ngoài ra, phải đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh trong quá trình tiếp nhận, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Sở cũng chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất thường.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương khẳng định, thời gian tới tỉnh tiếp tục nhất quán quan điểm là phải kiên định “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển KT- XH. Đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.
Trên tinh thần này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu từng thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương bám sát các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hành động, không để công việc trì trệ; đổi mới tư duy, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương (giữa) kiểm tra các dự án trọng điểm trên địa bàn |
Về những nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần tập trung cao độ, dành mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa ưu tiên phòng, chống dịch và phát triển KT-XH. Theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo và cập nhật kịch bản tăng trưởng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, dự án khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tiến độ giải ngân.
Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tiết giảm tối đa chi thường xuyên. Chú trọng đạ dạng hoá thị trường xuất khẩu, tích cực tìm kiếm thị trường mới. Theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn. Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư nhưng không dàn trải, không nóng vội, phải lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chủ động thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Người đứng đầu các sở, ngành, UBND cấp huyện phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó, chú trọng chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Hoàn thiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực. Quan tâm lĩnh vực lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời. Tổ chức triển khai ngay chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Đề nghị các cấp, các ngành thống nhất, đồng lòng, cùng quyết tâm triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra 6 tháng cuối năm 2021...”, ông Phương nhấn mạnh.
|