Bảo vệ môi trường trong thăm dò graphit

Khoáng sản - Ngày đăng : 12:13, 20/07/2021

(TN&MT) - Yên Bái là địa phương có tiềm năng lớn về graphit phân bố ở nhiều nơi, trong đó, có khu vực thuộc các xã An Bình, Đông Cuông, Ngòi A và Yên Thái, huyện Văn Yên. Quặng graphit ở đây có chất lượng khá tốt, điều kiện khai thác và chế biến thuận lợi.

Trữ lượng đạt hơn 84% mục tiêu đề ra

Công ty Cổ phần Khoáng sản Yên Bái VPG đã tiến hành thăm dò graphit tại khu vực trên theo giấy phép được Bộ TN&MT cấp. Công ty đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Công nghệ Bắc Bán Cầu là đơn vị tư vấn thi công thăm dò theo quy định của pháp luật. Đại diện đơn vị tư vấn, ông Hoàng Quang Nam cho biết: Mục tiêu của công tác thăm dò là đánh giá chất lượng, trữ lượng quặng graphit và điều kiện khai thác mỏ trong diện tích 189,3 ha. Mục tiêu trữ lượng cấp 121 + 122 tại Đề án là hơn 4,3 triệu tấn quặng graphit.

Với mục tiêu trên, công tác thăm dò đã làm sáng tỏ cấu trúc địa chất mỏ, đặc điểm phân bố, hình thái, kích thước, thế nằm của thân quặng graphit, cũng như chất lượng, tính chất công nghệ của quặng graphit và điều kiện khai thác mỏ...

Đồng thời, đánh giá được tổng trữ lượng quặng graphit toàn mỏ ở cấp 121 + 122 là hơn 3,8 triệu tấn (ở trạng thái tự nhiên), tương đương hơn 3,6 triệu tấn (ở trạng thái khô). Quy đổi ra carbon graphit là 420,40 nghìn tấn. Trữ lượng tại báo cáo đạt 84,1% so với mục tiêu dự kiến tại Đề án thăm dò đặt ra.

Đánh giá về kết quả thăm dò quặng graphit tại khu vực thuộc các xã An Bình, Đông Cuông, Ngòi A và Yên Thái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Trường Giang - Chánh Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết, kết quả đã tổng hợp các tài liệu thăm dò để đánh giá chất lượng, trữ lượng tài nguyên quặng graphit tại mỏ và khoáng sản đi kèm gồm kaolin và felspat.

Khảo sát lộ trình địa chất và các điểm lộ

Liên quan đến 2 khoáng sản đi kèm này, ông Đỗ Văn Định - Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho rằng, kết quả thăm dò đã cơ bản xác định đới đá gneiss bị migmatit hóa chứa quặng và dự tính tài nguyên quặng kaolin và felspat theo hệ số chứa quặng. Tuy còn hạn chế về số liệu thăm dò, thân quặng nhỏ, số lượng các công trình khống chế, khoanh nối thân quặng còn ít, chất lượng quặng không cao, song có thể xếp cấp tài nguyên 222…

Chú trọng bảo vệ tài nguyên và môi trường

Theo ông Hoàng Quang Nam, đối với mỗi đề án thăm dò, Công ty Cổ phần Khoáng sản Yên Bái VPG và đơn vị tư vấn luôn chú trọng đến các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, đối với Đề án thăm dò này, trong quá trình thi công, đơn vị tư vấn đã luôn chú ý đến công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, như: đã tiến hành lấy và phân tích mẫu lát mỏng, hóa, khoáng tướng và mẫu rơnghen... nhằm đánh giá sự tồn tại của các nguyên tố quý hiếm và nguyên tố kim loại có giá trị kinh tế.

Máy và thiết bị thi công trắc địa

Về vấn đề bảo vệ môi trường, đại diện đơn vị tư vấn nhận định, toàn bộ khu vực thăm dò không có công trình an ninh, quốc phòng, không có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, không có công trình đường điện, đường giao thông, không thuộc khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản. Quá trình thi công thăm dò, các bước trong quy trình chủ yếu là công trình khoan, hào và lộ trình đo vẽ địa chất, trắc địa, lấy mẫu. Thực tế cho thấy, ảnh hưởng của các hoạt động này đến môi trường sinh thái và nhân sinh là không đáng kể và có thể được tái tạo sau một thời gian dừng thi công thăm dò.

Trước khi thi công Đề án, đơn vị tư vấn đã tổ chức cho cán bộ, công nhân viên học tập, nắm vững các quy định về bảo vệ môi trường. Đồng thời, trong quá trình thi công đã hạn chế việc chặt, phát cây cối, chỉ chặt phát những cây, bụi khi cần thiết nên đã giảm thiểu tác động đến thảm thực vật.

Ngoài ra, khi kết thúc thăm dò, hoàn thành công tác thu thập tài liệu và lấy mẫu liên quan, các công trình đều được san lấp, dọn dẹp đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, trong quá trình thi công thăm dò, đơn vị tư vấn đã bố trí ăn uống tập trung và có biện pháp thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh, xử lý rác theo quy định về vệ sinh môi trường của địa phương. Nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý trước khi xả ra môi trường.

Kết quả thăm dò cho thấy, trong diện tích thăm dò, ngoài khoáng sản chính có giá trị công nghiệp là quặng graphit còn phát hiện một vài đới đá gneis chứa các ổ, mạch dạng thấu kính nhỏ đá migmatit có thành phần giàu felspat kali với chiều dày từ vài centimet đến 3,8 m nằm rải rác. Một vài ổ, mạch migmatit đạt chỉ tiêu chiều dày công nghiệp tối thiếu (≥ 1m) và được đưa vào đánh giá là khoáng sản đi kèm có mặt trong diện tích thăm dò.

Mai Đan