Bến số 3 cảng nước sâu Chân Mây chính thức đi vào hoạt động

Kinh tế - Ngày đăng : 12:12, 20/07/2021

(TN&MT) - Bến số 3 cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên Huế) có kinh phí đầu tư gần 850 tỷ đồng đã vừa đi vào hoạt động, khi đón tàu hàng 50 triệu tấn đầu tiên.

Ngày 20/7, thông tin với PV, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế - chủ đầu tư bến số 3 cảng Chân Mây cho biết, vừa chính thức đưa bến số 3 vào hoạt động.

Bến số 3 cảng Chân Mây có quy mô diện tích hơn 13 ha, trong đó bến bãi hơn 10 ha và gần 3 ha mặt nước; chiều dài bến 270m. Tổng kinh phí đầu tư là 846 tỷ đồng.

Với nhiều hạng mục như bến cập tàu, nạo vét khu nước trước bến, kè bờ, san lấp mặt bằng, khu neo đậu, bãi chứa hàng..., đây sẽ trở thành bến cảng tổng hợp, phục vụ dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu chở hàng tổng hợp có trọng tải đến 50.000 DWT giảm tải.

Tàu hàng đầu tiên cập bến số 3 cảng Chân Mây

Bến số 3 có khả năng tiếp nhận 1,8 triệu tấn/năm. Sau hơn 5 năm thi công, đến nay dự án đã có quyết định công bố mở cầu cảng của Cục Hàng hải Việt Nam hoàn thành và đưa dự án đi vào hoạt động.

“Cách đây ít ngày, bến đã đón tàu hàng đầu tiên 50 triệu tấn để xuất nhập dăm gỗ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây thật sự là niềm vui không chỉ riêng với đơn vị mà còn với người dân địa phương và tỉnh nhà. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch COVID - 19 và tiếp tục xây dựng kế hoạch đón tàu mới trong thời gian tới...”, lãnh đạo chủ đầu tư thông tin.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh, đơn vị luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho chủ đầu tư và đã làm việc với chủ đầu tư về các phương án khai thác cầu cảng đúng mục đích, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường...

Cảng nước sâu Chân Mây là cảng biển lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế, có vị trí xây dựng chiến lược, rất thuận lợi để phát triển thành cảng đầu mối hàng hải quan trọng của khu vực, dễ dàng tiếp cận với tuyến QL1A, nằm giữa hai sân bay quốc tế Phú Bài và Đà Nẵng. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh do nằm giữa 2 đô thị lớn của miền Trung là Đà Nẵng và Huế, là vị trí đầu mối trên các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng: tuyến trục Bắc - Nam và Đông - Tây của miền Trung. Đây còn là cửa ngõ hướng ra biển Đông của Hành lang Kinh tế Đông - Tây nối các nước Myanmar, Thái Lan, Lào.

Việc xây dựng và đưa bến cảng số 3 đi vào hoạt động nhằm hỗ trợ giảm tải cho bến số 1 hiện đang quá tải trong việc tiếp nhận lượng hàng hóa bằng đường biển ngày càng gia tăng, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa của các doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế -xã hội của địa phương...

VĂN DINH