Thừa Thiên Huế: Lập bệnh viện dã chiến, không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch COVID – 19

Xã hội - Ngày đăng : 22:15, 19/07/2021

(TN&MT) - Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thành lập bệnh viện dã chiến Chân Mây, quy mô 150 giường bệnh để điều trị bệnh nhân COVID - 19 ở mức độ không triệu chứng, nhẹ và vừa. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, rà soát các hiện tượng lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch.

Thành lập bệnh viện dã chiến

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đã triển khai kế hoạch thành lập bệnh viện dã chiến Chân Mây điều trị COVID-19.

Theo đó, Bệnh viện dã chiến Chân Mây thành lập tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc với quy mô 150 giường bệnh có nhiệm vụ thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ở mức độ không triệu chứng, nhẹ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Huế sẽ thành lập bệnh viện dã chiến

Bệnh viện dã chiến Chân Mây sử dụng nguồn nhân lực hiện có tại Trung tâm Y tế Phú Lộc và Sở Y tế điều động thêm từ các đơn vị công lập, ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; huy động sự hỗ trợ nhân lực từ các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện bộ, ngành trên địa bàn; lực lượng sinh viên, tình nguyện viên tại các trường cao đẳng, đại học y dược trên địa bàn. Sử dụng cơ sở hiện có tại Bệnh viện Chân Mây cũ.

Bệnh viện dã chiến sẽ có các khu vực điều hành, hành chính; tiếp đón và phân loại bệnh 15 giường; chẩn đoán hình ảnh; xét nghiệm; hồi sức cấp cứu 20 giường; điều trị bệnh nhân COVID-19; khu cách ly chờ ra viện 15 giường; khu dược, cấp phát thuốc và vật tư, hóa chất; khu đồ vải và dụng cụ y tế; nhà ăn; khu nghỉ ngơi cho người phục vụ; khu chống nhiễm khuẩn...

“Việc thiết lập và triển khai bệnh viện dã chiến nhằm đáp ứng yêu cầu cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị bệnh nhân COVID-19 ở mức độ không triệu chứng, nhẹ và vừa, giúp giảm tải cho các cơ sở điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc thành lập bệnh viện dã chiến không ảnh hưởng đến hệ thống khám chữa bệnh đã được hình thành để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 ở tất cả các tuyến”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho hay.

Đẩy mạnh kiểm tra, chấn chỉnh công tác phòng chống dịch

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương trên cả nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vào vẫn rất cao. Yêu cầu UBND cấp huyện, Ban Chi đạo COVID-19 các huyện, thị xã, TP. Huế và các cơ sở, ban ngành, ngành liên kết phát huy vai trò chủ động với phương châm “4 tại chỗ”. Tiếp tục rà soát, thực hiện các thủ tục mua sắm bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị trang thiết bị, vật tư y tế ... đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Công tác phòng, chống dịch ở Thừa Thiên Huế đang được tích cực triển khai

“Trên địa bàn tỉnh hiện nay người dân, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã có hiện tượng lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch, vì vậy, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, rà soát lại để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh”, ông Bình nói.

Yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chủ động lên phương án khi có dịch bệnh xuất hiện trong khu công nghiệp; làm việc với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để triển khai tầm soát, ưu tiên việc tầm soát cho lực lượng công nhân.  

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc cách ly theo quy định; đảm bảo an toàn, an ninh tự tại các khu cách ly tập trung. Rà soát, kiểm tra điều kiện bảo đảm, cơ chế quản lý tại các khu cách ly tập trung tại các huyện, thị xã, TP. Huế.  Xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị các phương án, cơ sở vật chất để sẵn sàng đón công dân từ TP. Hồ Chí Minh trở về địa phương. Tổ chức xét duyệt danh sách đăng ký theo hướng ưu tiên đối với người yếu thế, người gặp khó khăn, bị ảnh hưởng lớn, bao gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, lao động tự do, người mất việc làm, người bị mắc kẹt do thăm thân, đi công tác, học sinh, sinh viên... khẩn trương khảo sát, lựa chọn, kích hoạt trở lại các cơ sở lưu trú cách ly có thu phí phục vụ người có nhu cầu. 

Các địa phương cần có những quan tâm, hỗ trợ, động viên kịp thời cho các lực lượng làm việc tại các khu cách ly tập trung, các chốt kiểm soát y tế để đảm bảo phương tiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ, “tránh tình trạng làm lâu chuyển sang uể oải”. Đồng thời thống kê, rà soát để sớm triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Văn Dinh