Triển vọng khả quan của thị trường nhà ở TP.HCM trong trung và dài hạn

Bất động sản - Ngày đăng : 14:13, 17/07/2021

(TN&MT) - Theo báo cáo mới đây của Savills Việt Nam về phân khúc nhà ở TP.HCM 6 tháng đầu năm 2021, tuy nguồn cung sơ cấp giảm xuống mức thấp nhất, giá bán có xu hướng tăng, nhưng thị trường vẫn chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực và triển vọng, đặc biệt là trong trung và dài hạn.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê của Savills Việt Nam, dưới những tác động tiêu cực của làn sóng Covid-19 từ đầu quý 2/2021, lượng căn hộ mới mở bán tại TP.HCM bị hạn chế, cộng với số lượng hàng tồn kho thấp từ các quý trước, dẫn tới nguồn cung sơ cấp chỉ đạt 3.700 căn, mức giảm thấp nhất theo năm là 18%. Cũng theo đó mà tỷ lệ hấp thụ của phân khúc này xuống tới mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua với tổng lượng giao dịch chỉ gần 1.400 căn, giảm 35% theo quý và 36% theo năm.

Riêng các căn hộ hạng B dẫn đầu lượng giao dịch với 49% thị phần và đạt tỷ lệ hấp thụ cao nhất ở mức 52%. Giá bán trung bình tại thị trường sơ cấp tăng với gần 40% dự án tăng lên trong quý, lên đến 15%, ví dụ như 1 dự án hạng B có giá bán trong quý 2 tăng 14% so với quý 1, đạt gần 77 triệu đồng/m2, hay 1 dự án khác thuộc phân khúc hạng C có giá bán trong quý 2 tăng 12% so với quý 1, đạt 43 triệu đồng/m2.

Lý giải về số liệu này, bà Giang Huỳnh - Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu Savills HCM cho rằng: “Khoảng 40% số lượng dự án sơ cấp có giá bán tăng nhẹ, số lượng nguồn cung tăng giá khá nhỏ so với tổng nguồn cung. Việc giá bán các dự án sơ cấp có giá bán cao hơn trước, phần lớn đến từ việc chi phí phát triển dự án có xu hướng tăng dần theo thời gian. Quỹ đất phát triển nhà ở hạn chế, chi phí đất tăng cao, lãi vay, thời gian cấp phép dự án kéo dài, dẫn đến chi phí đầu vào và phát triển dự án của doanh nghiệp càng tăng.

Bên cạnh đó, việc thiếu vắng nguồn cung mới cạnh tranh cũng thúc đẩy sự tăng giá cục bộ, và chỉ phản ánh yếu tố nguồn cung, chứ không phản ánh tình hình cung cầu thị trường. Ngoài ra, tỷ lệ hấp thụ trong quý thấp, chỉ đạt 35% bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch mới nhất, đang phản ánh áp lực về nguồn cầu tại thời điểm hiện tại. Nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát, tình hình cung cầu của thị trường vẫn sẽ gặp những áp lực tương tự”.

Theo bà Giang Huỳnh, những căn hộ hạng C có giá dưới 2 tỷ đang thu hút được sự quan tâm của đa số người mua trên thị trường, mặc dù vậy nguồn cung của phân khúc này chỉ chiếm dưới 10% tổng nguồn cung sơ cấp tại TP.HCM, và có xu hướng giảm trong thời gian tới. Vì thế, thị trường đang chứng kiến xu hướng mở rộng phân khúc căn hộ giá rẻ ra ngoài trung tâm.

Cơ sở hạ tầng cải thiện và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở khu vực phía Đông (TP Thủ Đức) và phía Nam (Quận 7 và Nhà Bè) hỗ trợ cho sự phát triển nhà ở cao tầng. Đến năm 2024, TP Thủ Đức sẽ chiếm lĩnh nguồn cung tương lai với 44% thị phần, quận 7 chiếm 13% và Nhà Bè chiếm 8%.

Còn các tỉnh lân cận TP.HCM như: Bình Dương, Đồng Nai và Long An đang được hưởng lợi từ sự cải thiện hạ tầng giao thông và kết nối các khu vực. Bình Dương có tốc độ đô thị hóa cao, thị trường công nghiệp tăng trưởng nhanh và kết nối giao thông với TP.HCM tốt hơn. Chỉ so với căn hộ hạng C tại TP.HCM, Bình Dương hiện có giá bán căn hộ thấp hơn dao động khoảng 19 - 48 triệu đồng/m2 thông thủy, trong khi căn hộ hạng C tại TP.HCM có giá bán dao động từ 29 - 62 triệu đồng/m2 thông thủy.

Về triển vọng trong tương lai, các chuyên gia đánh giá thị trường nhà ở tại TP.HCM sẽ có nhiều tiềm năng trong trung và dài hạn. Trong nửa cuối năm 2021, dự kiến 6.800 căn từ 22 dự án sẽ được chào bán ra thị trường, chủ yếu là căn hộ hạng C chiếm 47% thị phần. Từ năm 2022 - 2024, nguồn cung tương lai của các căn hộ hạng B dự kiến sẽ tăng và chiếm 53% tổng nguồn cung tương lai, tiếp theo là căn hộ hạng C chiếm 37% và căn hộ hạng A chiếm 10%. TP Thủ Đức với tốc độ đô thị hóa và cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển chiếm thị phần cao nhất với 44%.

Thục Vy