Người dân bản Hua Rốm (Điện Biên) yên tâm giữ rừng

Môi trường - Ngày đăng : 17:47, 13/07/2021

(TN&MT) - Hiện nay, tại các thôn, bản mô hình bảo vệ rừng theo cộng đồng dân cư đã và đang phát huy hiệu quả, nhất là việc sử dụng nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng, đã giúp nhiều thôn bản có thêm những công trình công cộng khang trang, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương.

Những năm trở lại đây, người dân bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, Thành Phố Điện Biên Phủ đã thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên rừng sau khi được giao quản lý, bảo vệ rừng. Được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhờ đó rừng được bảo vệ tốt hơn, huy động được đông đảo người dân tham gia bảo vệ diện tích rừng hiện có.

Theo ông Vàng A Thư, Trưởng bản Hua Rốm xã Nà Tấu cho biết: Cộng đồng bản Hua Rốm có 127 hộ dân được giao quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi hơn 100ha rừng. Thời gian qua ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng được nâng cao. Đặc biệt các hộ đều được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Những năm cao nhất cộng đồng bản nhận được hơn 1.3 tỷ đồng. Số tiền này đã giúp một số hộ tăng thu nhập ổn định để thoát nghèo, ngoài ra có nguồn vốn phát triển thêm diện tích trồng rừng mới.

Người dân bản Hua Rốm xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ, tích cực chăm sóc bảo vệ rừng

Trước đây, khi nhận tiền chi trả DVMTR sẽ chia đều số tiền bình quân theo các hộ, có những hộ không tham gia bảo vệ rừng vẫn được hưởng tiền nên rất khó khăn trong việc huy động các hộ dân tham gia vào công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Dẫn đến hàng năm vẫn còn tình trạng chặt phá rừng. 

Nhưng từ khi cộng đồng bản Hua Rốm nhận quản lý, bảo vệ rừng, được tham gia các buổi tập huấn, tuyên truyền của cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, nhận thức của bà con nhân dân về việc bảo vệ rừng được nâng lên, không còn xảy ra tình trạng người dân chặt phá rừng. Bên cạnh đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp bà con có động lực để quản lý, bảo vệ rừng, thường xuyên đi kiểm tra diện tích rừng được giao. 

Ông Mùa A Kềnh, Bí thư Đảng ủy xã Nà Tấu, Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết: Số tiền DVMTR được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên chi trả hằng năm được cộng đồng thôn, bản dùng vào mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng như dao phát, máy phát thực bì, đồ bảo hộ trong tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR. Chi trả cho người dân trực tiếp tham gia tuần tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng, chữa cháy rừng. Mức chi cho hoạt động tuần tra được tính theo quy định của UBND tỉnh về mức chi bồi dưỡng, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân được huy động hoặc tự nguyện tham gia để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và PCCCR trên địa bàn, hỗ trợ xăng dầu cho phương tiện tham gia tuần tra, kiểm tra rừng; hỗ trợ các thành viên tham gia trực PCCCR trong mùa khô.

Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân yên tâm giữ rừng và phát triển rừng

Bên cạnh đó, tại các buổi họp của công đồng thôn, bản đã đưa ra bàn bạc, thảo luận về các trường hợp vào chặt phá rừng, nếu vi phạm sẽ phạt tiền sung quỹ cộng đồng và hộ đó cũng không được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cùng với đó là lấy ý kiến của người dân về hoạt động của Ban quản lý rừng cộng đồng, tổ bảo vệ rừng và việc quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng... Hầu hết người dân trong thôn đều đồng thuận với việc dùng số tiền chi trả cho công tác bảo vệ rừng. Phần còn lại sử dụng vào các hoạt động chung của thôn như: mua sắm vật dụng thiết yếu, hội họp, xây dựng các công trình...

Có thể thấy, từ ngày có tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân vui vẻ, đồng thuận cùng nhau đóng góp làm đường, làm nhà văn hóa thôn, xây bể chứa rác thải công cộng…Đồng thời cùng nhau đóng góp để duy tu, bảo vệ, sử dụng công trình đó. Từ đó, người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ, tự nguyện xây dựng quy ước quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tập quán sinh sống dựa vào rừng không chỉ được xóa bỏ, người dân còn tham gia cùng cơ quan chức năng ra sức tuần tra, bảo vệ rừng nghiêm ngặt, diện tích rừng do thôn quản lý không còn xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm làm nương rẫy. 

Hoàng Châu