Tam Đường (Lai Châu): Tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản

Khoáng sản - Ngày đăng : 16:36, 12/07/2021

(TN&MT) - Huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu được đánh giá là một trong những địa phương có trữ lượng tài nguyên khoáng sản tương đối lớn, chủ yếu là khoáng sản khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, đá, sỏi… Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có một số mỏ khoáng sản có giá trị kinh tế cao như: mỏ đất hiếm Đông Pao; mỏ vàng, vàng đa kim ở các xã: Khun Há, Tả Lèng, Thèn Sin; mỏ sắt, chì, kẽm, nước khoáng…

Những năm qua, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản luôn được UBND huyện Tam Đường quan tâm chỉ đạo. Để quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, trên địa bàn huyện Tam Đường đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý đặc biệt đối với hoạt động khai thác cát, sỏi và các kim loại quý.

Cùng với đó, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan chuyên môn, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, để thống nhất biện pháp quản lý chặt chẽ ngay từ cơ sở. Thành lập, tham gia các đoàn kiểm tra, tổ kiểm tra liên ngành, có kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. 

Điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường

Ông Cầm Đức Chiến, Trưởng phòng TN&MT huyện Tam Đường cho biết: Trong năm qua, tổng số Giấy phép khai thác khoáng sản đã và đang triển khai khai thác trên địa bàn huyện là 2 Giấy phép (2 giấy phép gia hạn khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Bình Lư) và 01 Giấy phép thăm dò khoáng sản đất sét tại mỏ sét Noong Luống xã Bình Lư. Hiện có 1 mỏ đá và 3 mỏ sét đã được phê duyệt trữ lượng thăm dò, đang hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác (gồm mỏ đá tại bản Hà Giang xã Bản Giang, 3 mỏ sét tại xã Bình Lư).

Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, chủ yếu là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đáp ứng nhu cầu vật liệu tại địa phương. Trong quá trình khai thác, các tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản đã tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động và đóng góp một phần ngân sách cho địa phương.

Bên cạnh đó, khu vực khai thác vật liệu xây dựng đã được cấp phép, UBND huyện đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện kiểm tra các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án khai thác vật liệu xây dựng, đã được cấp phép và thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường các cơ sở, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đó có các dự án khai thác vật liệu xây dựng.

Khu vực mỏ đất hiếm Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường

Đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND huyện thường xuyên quan tâm thực hiện. UBND huyện đã ban hành 3 Công văn chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban có liên quan, UBND các xã thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền; 1 thông báo về việc thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát đảm bảo yêu cầu công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong phạm vi diện tích đất thực hiện dự án. Chỉ đạo Công an huyện phối hợp với các xã Bản Bo, Bình Lư tuyên truyền vận động và tổ chức cho 17 hộ dân ký cam kết không khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép.

Ông Cầm Đức Chiến cho biết thêm: Thời gian tới, phòng tiếp tục hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu khai thác khoáng sản tiến hành đăng ký cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định, không để xảy ra tình trạng tự ý khai thác khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở được cấp phép trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, không để tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác, chế biến khoáng sản xảy ra.

Hoàng Châu