Ngành Thuế phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2021
Kinh tế - Ngày đăng : 20:48, 11/07/2021
Trong 6 tháng đầu năm 2021, kết quả thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 656.374 tỷ đồng, đạt 58,8% dự toán. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021 của ngành Thuế được giao là hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, kết quả thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 656.374 tỷ đồng, đạt 58,8% dự toán, bằng 114,3% so cùng kỳ. Trong đó:
Thu từ dầu thô ước đạt 18.725 tỷ đồng, bằng 80,7% dự toán, bằng 87,8% cùng kỳ, trên cơ sở giá dầu thô bình quân khoảng 59,1 USD/thùng, bằng 131,3% giá dự toán, bằng 118,4% cùng kỳ, sản lượng ước đạt 5 triệu tấn, bằng 62,3% dự toán, bằng 98,8% sản lượng cùng kỳ.
Thu nội địa ước đạt 637.649 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, bằng 115,3% cùng kỳ. Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 558.838 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán, bằng 114,5% cùng kỳ.
Nếu loại trừ các khoản thu đột biến trong 6 tháng đầu năm và yếu tố chính sách do thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất thì tổng thu do cơ quan thuế quản lý 6 tháng tăng 4% so với cùng kỳ, thu nội địa trừ đất tăng 2,5%, thu nội địa từ thuế phí tăng 5,7%.
Theo Tổng cục Thuế, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá là do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020, trong đó một số ngành đạt mức tăng trưởng cao, nóng như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... góp phần quan trọng vào số thu trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, khối các ngân hàng thương mại có số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quý IV/2020 và nộp sau quyết toán tăng 72,9% so với cùng kỳ tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng; tăng thu thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng; thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 2.600 tỷ đồng .
Do thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, dẫn đến số thu ngân sách từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tăng thu 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng...
Theo Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm, đa số các địa phương đạt tiến độ thu khá so với dự toán. Có 48 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt trên 55%; có 12 địa phương thực hiện đạt từ trên 50% đến dưới 55% dự toán; 3 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 50%) là: Bắc Cạn; Sơn La; Hòa Bình.
Theo sắc thuế, Tổng cục Thuế cho biết, một số sắc thuế chính đều đạt và vượt tiến độ thu so với dự toán, tăng mạnh so với cùng kỳ, cụ thể: thuế TNDN ước đạt 137.069 tỷ đồng, bằng 61,2% dự toán, bằng 129,1% so với cùng kỳ; thuế TTĐB ước đạt 58.879 tỷ đồng, bằng 61% dự toán, bằng 138,6% cùng kỳ; thuế GTGT ước đạt 121.910 tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán, bằng 119,5% so với cùng kỳ;... Đặc biệt thuế TNCN ước đạt 73.027 tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán, bằng 112,8% so với cùng kỳ.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tổng cục Thuế |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh, mặc dù kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm của ngành Thuế đạt tiến độ thu khá so với dự toán. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ cuối tháng 4 trở lại đây, dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với các chính sách giãn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, công tác thu ngân sách các tháng cuối năm 2021 sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn và phải xác định là khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi.
Về thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Vũ Thị Mai yêu cầu toàn ngành Thuế phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2021 được giao. Cơ quan thuế các cấp phải theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu tại từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời có các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND các cấp chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp về tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế. Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu; thực hiện thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án hết thời gian ưu đãi thuế... Đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...