Để chậm triển khai gói hỗ trợ, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm
Xã hội - Ngày đăng : 21:15, 07/07/2021
Không còn những “rào cản về thủ tục”
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại dịch Covid-19 thời gian qua đã tác động tiêu cực đến sản xuất và thị trường lao động, hàng triệu lao động bị mất việc làm, tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ( giữa) và các đại biểu tại buổi họp báo. |
Việc ban hành Nghị quyết 68 khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước luôn hướng về đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống cho người dân. Chính vì vậy, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 năm 2020, Nghị quyết 68 được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.
“Ngày 1/7, Nghị Quyết 68 được thông qua và đến hôm nay, Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn triển khai. Điều này cho thấy từ Chính phủ, Bộ, ngành đều “thần tốc” để mau chóng đưa chính sách đến người dân. Vì thế, ai, cơ quan nào, địa phương nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân. Cơ quan nào, đơn vị nào, địa phương nào để xảy ra trục lợi chính sách là có tội với dân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Dung, với việc đột phá, tối giản các thủ tục, đặt lợi ích quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động lên cao nhất, chưa có một gói chính sách nào mang tính đột phá, táo bạo như gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng. “Chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi đã giảm từ hơn 1 tháng xuống tối đa còn 7 ngày; chính sách hỗ đóng bảo hiểm cũng giảm từ 25 ngày xuống còn 5 ngày…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.
Điều kiện hỗ trợ được tối giản
Phân tích những điểm mới của gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh mục tiêu tập trung hỗ trợ đối tượng người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Do đó các điều kiện hỗ trợ được tối giản.
Cụ thể, giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động.
Nghị quyết mới cũng bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng. Chẳng hạn, tính từ thời điểm bùng phát dịch lần thứ tư (27/4) đến cuối năm 2021, các ca bệnh F0 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày song không quá 45 ngày (tương đương 3,6 triệu đồng), các F1 nhận hỗ trợ như F0 song không quá 21 ngày (1,68 triệu đồng). Trẻ em bị Covid-19 hoặc cách ly y tế được Nhà nước chi trả phí điều trị và tiền ăn, chưa kể mức hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/cháu trong thời gian điều trị, cách ly. Giáo viên mầm non (kể cả trường công và tư thục), nghệ sĩ trong đơn vị nhà nước và hướng dẫn viên du lịch đều được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt
Cũng theo Nghị quyết 68, điều kiện cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đã được nới lỏng hơn. Gói hỗ trợ lần này cũng là lần đầu áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Như vậy, so với quy định của Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, mức hỗ trợ được tăng từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu.