TP.HCM: Xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm kênh rạch
Môi trường - Ngày đăng : 10:44, 29/06/2021
Tiềm ẩn nguy cơ sạt lở
Theo thống kê, TP.HCM có khoảng 700 con sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 900 km. Trong đó, có 106 tuyến sông, hơn 660 tuyến kênh, rạch có chức năng quan trọng tiêu thoát nước cho thành phố. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, hiện nay nhiều kênh, rạch đang bị san lấp, lấn chiếm làm tắc dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, sạt lở.
Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) cho biết: Qua kiểm tra, đơn vị đã phát hiện khoảng 3.350 nhà dân xây dựng nhà tạm trên các khu vực hành lang bảo vệ bờ sông. Những căn nhà vi phạm được doanh nghiệp, người dân xây dựng theo kiểu nhà tạm trên nền kết cấu cừ tràm, cừ dừa, cột bê tông. Nhiều căn nhà đã xuống cấp có nguy cơ sụp đổ xuống sông, ảnh hưởng an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão.
Cụ thể, số lượng các khu vực có nhà dân xây dựng nhà tạm trên hành lang bảo vệ bờ sông gồm: TP. Thủ Ðức có 4 khu vực với khoảng 97 hộ dân vi phạm; quận 4 có 1 khu vực với khoảng 97 hộ dân; quận 8 có 11 khu vực với khoảng hơn 3.000 hộ dân; huyện Hóc Môn có 1 khu vực với khoảng 4 hộ dân; huyện Củ Chi có 1 khu vực với khoảng 5 hộ dân; huyện Nhà Bè có 1 khu vực với khoảng 62 hộ dân; huyện Cần Giờ có 3 khu vực với khoảng 55 hộ dân…
Thời gian qua, tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm kênh rạch là một trong những nguyên nhân gây ngập nước, ô nhiễm môi trường, sạt lở… Điển hình tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, có 2 hướng thoát nước chính là kênh A41 và kênh Hy Vọng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, toàn tuyến kênh A41 và một phần kênh Hy Vọng bị người dân lấn chiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát nước. Vì vậy, tình trạng ngập nước khi trời mưa thường xuyên xảy ra tại khu vực bên ngoài và trong khu vực sân đỗ máy bay, ảnh hưởng không nhỏ đến việc cất và hạ cánh của máy bay. Nếu trả lại nguyên trạng 2 tuyến kênh này như ban đầu, chắc chắn sẽ giải quyết được tình trạng ngập nước tại khu vực sân bay khi có mưa lớn.
Bên cạnh đó, nhiều vụ sạt lở thường xuyên xảy ra tại một số tuyến kênh, rạch gây thiệt hại về tài sản, đe dọa tính mạng người dân. Mới nhất, ngày 17/5, 8 ngôi nhà ven kênh Đôi (đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8) bất ngờ bị sụt lún xuống kênh khiến 2 người bị thương, nhiều tài sản bị hư hại. Theo lãnh đạo UBND quận 8, đây là những căn nhà được xây dựng lấn chiếm trên hành lang kênh, rạch.
Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch luôn là nỗi lo của TP.HCM mỗi khi bước vào mùa mưa bão. Vì vậy, ngăn chặn hành vi lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch được xem là giải pháp căn cơ để chống sạt lở, phòng, chống ô nhiễm môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị.
Hàng chục ngôi nhà xây dựng trái phép trên hành lang kênh Đôi (quận 8) |
Tăng cường phối hợp xử lý
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM có Văn bản đề nghị UBND TP. Thủ Đức, quận 4, 8, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và các quận, huyện có liên quan chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng công trình không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn quản lý. Đồng thời, chỉ đạo các phường, xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc tích cực vận động nhân dân, doanh nghiệp tháo dỡ công trình xây dựng lấn chiếm không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng địa bàn tăng cường kiểm tra và phối hợp UBND cấp huyện kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố.
Trước đó, Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị UBND TP.HCM tăng mức phạt, kiên quyết tháo dỡ những công trình vi phạm, buộc các đơn vị, cá nhân vi phạm phải khôi phục lại hiện trạng dòng chảy. Đặc biệt, cần truy tố trước pháp luật những trường hợp cố tình, dây dưa, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cũng theo Sở Xây dựng, biện pháp căn cơ để xử lý triệt để vi phạm hành lang kênh, rạch là thành phố nhanh chóng thực hiện đề án quy hoạch và quản lý bờ sông, kênh, rạch; yêu cầu các doanh nghiệp khi thực hiện các dự án xây dựng phải chấp hành nghiêm quy định về chỉ giới hành lang bảo vệ, có trách nhiệm đóng góp kinh phí cùng Nhà nước xây bờ kè, trồng cây xanh theo thiết kế thống nhất của cơ quan quản lý, góp phần cùng thành phố chỉnh trang đô thị.