Đa dạng nguồn lực phòng, chống Covid-19

Xã hội - Ngày đăng : 10:44, 29/06/2021

(TN&MT) - Trong 6 tháng cuối năm 2021, Chính phủ xác định chủ động cân đối, đảm bảo đầy đủ nguồn lực ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước để mua vắc-xin và cho các hoạt động phòng, chống Covid-19.

Nỗ lực thực hiện cho được mục tiêu kép

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế với TP. Hồ Chí Minh và 7 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chúng ta đang đi đúng hướng, cơ bản vẫn kiểm soát được tình hình. Thời gian tới, dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn, nhưng chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu kép, với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả và sự chủ động, sáng tạo của các địa phương.

Theo báo cáo, TP. Hồ Chí Minh và 7 tỉnh đều đạt tăng trưởng GRDP trên 5% trong 6 tháng đầu năm 2021, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được nhờ sự kế thừa từ các năm trước và nỗ lực của các địa phương, cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng. Thu ngân sách 6 tháng của TP. Hồ Chí Minh và 7 tỉnh đạt cao hơn so với dự toán được giao. Về đời sống nhân dân, không có ai bị thiếu ăn, thiếu mặc. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được kiểm soát tốt. Cả hệ thống chính trị vào cuộc rất tích cực, nhiều đồng chí “miệt mài, trăn trở với công việc”, người dân tham gia hưởng ứng tích cực để thực hiện mục tiêu kép.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, TP. Hồ Chí Minh và 7 tỉnh phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, dập tắt đợt dịch này càng nhanh, càng sớm, càng hiệu quả càng tốt. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế để đặt mục tiêu cho phù hợp. Nhanh chóng ổn định tình hình, khắc phục hậu quả và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu.

Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phải chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu kép, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Tùy tình hình trong từng thời điểm, từng nơi để dành ưu tiên, tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế hoặc nhiệm vụ chống dịch, có những nơi phải thực hiện đồng bộ, đồng thời các giải pháp cho cả hai nhiệm vụ này. Ngay TP. Hồ Chí Minh vào thời điểm này phải ưu tiên cho việc chống dịch, nhất là những nơi dịch bùng phát, những nơi tâm dịch, nhưng những nơi tình hình đã ổn định, cần ưu tiên phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Xây dựng các kịch bản về chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình, cùng các giải pháp phù hợp với từng kịch bản để các cấp ủy lãnh đạo, các cấp chính quyền triển khai thực hiện, tránh bị động, lúng túng. Lấy phòng ngừa là thường xuyên, liên tục, cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; khi có dịch thì phải tấn công chủ động, quyết liệt, đột phá, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo TP.HCM về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại TP.HCM. Ảnh: VGP

Đảm bảo nguồn lực ngân sách phòng, chống dịch bệnh

Tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ban hành mới đây, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ chiến lược vắc-xin.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi và dập dịch triệt để; thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Theo Bộ Tài chính, năm 2021, tổng số kinh phí đã bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương (NSTW) để hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương là 823 tỷ đồng. Trong đó, số đã bổ sung cho các Bộ là 505,853 tỷ đồng, bao gồm: Bộ Quốc phòng là 2,165 tỷ đồng để hỗ trợ Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là 788 triệu đồng để thực hiện chế độ đặc thù phòng, chống dịch, hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly; Bộ Y tế là 502,9 tỷ đồng để mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị phòng, chống dịch.

Tại Tờ trình số 104/TTr-CP về Phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của NSTW năm 2020, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nguồn kinh phí dự kiến mua và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng (mua vắc-xin khoảng 21 nghìn tỷ đồng; vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, NSTW bảo đảm cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương khó khăn khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng. Cụ thể, NSTW gồm: 13,33 nghìn tỷ đồng chuyển nguồn từ năm 2020 sang năm 2021 (12,1 nghìn tỷ đồng tiết kiệm chi NSTW năm 2020 và 1,237 nghìn tỷ đồng đã bổ sung cho Bộ Y tế năm 2020 nhưng chưa sử dụng nay chuyển nguồn sang năm 2021); phần còn lại từ dự phòng NSTW năm 2021 (bước đầu Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung 1.237 tỷ đồng cho Bộ Y tế, theo Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày 31/3/2021).

Ngày 18/5/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của NSTW năm 2020, trong đó quyết định “sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc-xin phòng dịch Covid-19”.

Tổng cộng số tiền đã chuyển vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 tính tới 11 giờ ngày 28/6/2021 là 7.720.000.000.000 đồng. Về tiêm chủng, từ ngày 8/3 đến nay, hệ thống y tế đã tiêm gần 3,3 triệu mũi vắc-xin Covid-19 cho nhóm ưu tiên và người dân trong vùng nguy cơ cao, trong đó, 155.488 người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Phương Anh