Chuyển đổi số ngành TN&MT: Cung cấp dịch vụ công - Ưu tiên hàng đầu

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:20, 08/06/2021

(TN&MT) - Cục Công nghệ thông tin và Dữ Liệu tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) là ngành tiên phong trong việc tích cực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành. Để tiếp nối những thành quả đạt được, thời gian tới Cục sẽ nâng cấp, hoàn thiện, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về chuyển đổi số trong giai đoạn mới.

Cung cấp dịch vụ công đến toàn ngành

Trong thời gian vừa qua, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường (Cục CNTT&DLTNMT) đã triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ngành TN&MT; Công tác an toàn, an ninh thông tin; Triển khai Chính quyền điện tử tại các Sở TN&MT; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, kết nối tích hợp với các Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin một cửa quốc gia; Triển khai Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.

Với những nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin vào toàn ngành, đến nay, Bộ đã hoàn thành và đưa vào triển khai 107 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, trong đó có 54 DVC mức độ 4 (đạt tỷ lệ 50,5%). Trong đó kết nối liên thông 1 DVC đến địa phương và 5 DVC với Hệ thống hải quan một cửa quốc gia (tại địa chỉ https://vnsw.gov.vn).

Giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Các Sở TN&MT đã tích cực ứng dụng phổ biến các hệ thống quản lý văn bản đi đến, hồ sơ công việc; hệ thống dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử, thư điện tử và các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý và điều hành công việc theo phân công thực hiện của địa phương. 

Bên cạnh đó, Cục CNTT&DLTNMT đã hoàn thành tích hợp hệ thống của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia và kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng kế hoạch, lộ trình của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, tích hợp, cung cấp 38 thủ tục hành chính (44 DVCTT mức độ 3, 4 trong đó 18 DVCTT mức độ 4) lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 40,9%, vượt mức chỉ tiêu được Chính phủ giao.

Ngoài ra, Cục đã triển khai được 16 thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Hiện nay, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đã khai báo thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia là 1.359 (trong đó 766 hồ sơ đã được cấp phép: 491 hồ sơ đang xử lý: 5 hồ sơ đã hủy; 97 hồ sơ doanh nghiệp xin rút trên tổng số doanh nghiệp là 662).

Triển khai hệ thống an toàn thông tin 4 lớp theo Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam. Đối với công tác phòng, chống phần mềm độc hại, hiện nay, toàn bộ máy chủ và máy trạm của Bộ TN&MT đã cài đặt phần mềm bảo vệ, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các phần mềm độc hại, tránh phát tán, lây lan và tấn công từ bên trong.

Đặc biệt, trong thời gian chống dịch Covid-19, Cục CNTT&DLTNMT đã luôn đảm bảo cung cấp đường truyền các cuộc họp trực tuyến để công việc của các Bộ, ngành không bị gián đoạn mà vẫn thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Nâng cao dịch vụ công

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các dịch vụ công thiết yếu theo đánh giá của Liên Hợp Quốc và triển khai thử nghiệm tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhóm dịch vụ liên quan đến thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép liên quan đến môi trường; Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; Cấp Giấy chứng nhận và đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; Cấp Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; Cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai theo kế hoạch, lộ trình Thủ tướng Chính phủ giao và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Trong Chương trình chuyển đổi số xác định mục tiêu đến năm 2025, việc bảo đảm an toàn thông tin mạng sẽ được thực hiện theo mô hình 4 lớp, 100% máy chủ, máy trạm của Bộ được triển khai giải pháp phòng chống mã độc; hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin; 100% hệ thống thông tin cấp độ 3, 4 và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia được giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin”; đến năm 2030 “Bảo đảm an toàn thông tin cho triển khai vận hành Chính phủ số”.

Đồng thời, nâng cấp, hoàn thiện, tích hợp, cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 (bao gồm nhóm DVCTT thiết yếu theo đánh giá của Liên Hợp Quốc về Chính phủ điện tử) lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin một cửa quốc gia; hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin sẽ triển khai theo cấp độ, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Công tác thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được thực hiện theo định kỳ, thường xuyên kiểm tra, đánh giá.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tài nguyên và môi trường, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số.

Trang Thu