Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: “Sống xanh” ở Tàu săn ngầm

Xã hội - Ngày đăng : 13:34, 03/06/2021

(TN&MT) - Sau mỗi lần cập bến, ngoài những thành quả, niềm vui của cán bộ chiến sĩ khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, theo tàu còn có những bao tải rác được phân loại, đóng gói cẩn thận, xếp gọn gàng, chờ để mang lên bờ xử lý.

Lữ đoàn Tàu săn ngầm 171, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đứng chân trên địa bàn thành phố biển Vũng Tàu - là thành phố có thế mạnh về du lịch biển. Từ đặc thù hoạt động của đơn vị, Lữ đoàn đã sớm xác định được những ảnh hưởng của tàu quân sự đến môi trường biển. Để hạn chế tác động ra môi trường và góp phần bảo vệ môi trường biển, Lữ đoàn 171 đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực trong bảo vệ môi trường, tiêu biểu là thực hiện phong trào “Bộ đội Hải quân chung tay làm sạch biển và nói không với rác thải nhựa” do Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân phát động.

Thực hiện Chương trình “Chung tay bảo vệ môi trường”, Lữ đoàn Tàu săn ngầm 171 Hải quân đã tổ chức phát động cuộc vận động “Nói không với rác thải nhựa”. 100% cán bộ, chiến sĩ được tuyên truyền ý thức trong việc hạn chế sử dụng vật liệu nhựa trong sinh hoạt, học tập; bảo vệ môi trường; tiết kiệm nước sạch; tăng cường trồng cây xanh, xây dựng cảnh quan môi trường và thực hiện “sống xanh” trong toàn Lữ đoàn.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tàu săn ngầm trong một buổi tham gia làm sạch biển.

Một trong những giải pháp mềm mà đơn vị đang thực hiện đó là nhỏ nhẹ nhắc nhau, người cũ nhắc người mới, chiến sĩ mới được học nếp phân loại rác ngay từ khi vừa bước chân vào đơn vị. Tôi còn nhớ như in một lần chứng kiến cuộc nói chuyện giữa hai chiến sĩ mới và cũ vào ngày các chiến sĩ mới được phân về tàu nhận công tác. Trong khi một đồng chí chiến sĩ mới đang bỡ ngỡ và có phần hơi choáng ngợp trước khung cảnh rộng rãi sạch bóng trên tàu, trên tay cầm vỏ chai nước lọc tính bỏ vào thùng rác trước mặt thì từ xa một giọng nói vang lên:

“Không phải bỏ vào đó đâu, đồng chí chú ý nhé, đây là thùng chứa rác dễ phân hủy nên chai nhựa không được bỏ vào đây”. Vừa nói, cậu chiến sĩ cũ vừa chỉ vào thùng rác màu xanh: “Còn đây thùng chứa rác thải khó phân hủy, cái vỏ chai đó đồng chí bỏ vào đây nhé”.

Đồng chí chiến sĩ mới sau khi bỏ rác vào thùng theo hướng dẫn phân loại, chưa kịp cảm ơn đã nhận được lời động viên rất thân thiện: “Chiều nay các đồng chí sẽ được học một số quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường và phân loại rác trên tàu. Ở đây ai cũng thực hiện rất nghiêm nên tàu ta luôn sạch sẽ. Đồng chí cố gắng thực hiện thật tốt nhé”.

Những thùng rác gắn nhãn được bố trí ở tất cả các khu vực, vị trí dễ nhìn thấy nhất ở trên tàu.

Từng là một sĩ quan ngành trên Tàu săn ngầm ở Lữ đoàn 171 Hải quân nên tôi quá quen với các chế độ và nếp sinh hoạt trên tàu. Hàng ngày cứ đến giờ quy định, tất cả cán bộ, chiến sĩ lại cùng nhau mang theo các dụng cụ bắt đầu công việc dọn dẹp vệ sinh từ mũi đến lái, từ mặt boong đến các khoang hầm, từ vị trí chiến đấu đến các khoang ngủ đều được bộ đội dọn dẹp tỉ mỉ nên lúc nào tàu cũng sạch sẽ, sáng bóng.

Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là tất cả các hành lang, khu vực phòng ngủ, khu vực nhà ăn và khu vực nhà bếp đều được đặt hai thùng rác có hai màu khác biệt. Tất cả rác thải đều được cán bộ, chiến sĩ trên tàu phân loại và bỏ vào thùng theo quy định. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chiến sĩ thực hiện công tác vệ sinh trên tàu, đồng thời góp phần xử lý rác hiệu quả hơn, đặc biệt trong điều kiện tàu làm nhiệm vụ trên biển. Những việc làm như vậy đã thành nếp quen thuộc của mỗi người.

Hạ sĩ Bùi Tuấn Hùng (quê Hòa An, Phụng Hiệp, Hậu Giang) là chiến sĩ ra đa, khẳng định với tôi: “Việc này bọn em làm hàng ngày anh ơi, thành thói quen rồi. Với lại mọi người trên tàu ai cũng ý thức trong giữ gìn vệ sinh, phân loại rác trước rồi nên khi đồng chí nào vào phiên thực hiện vệ sinh nội vụ trên tàu cũng đều cảm thấy việc thu gom, xử lý rác rất nhẹ nhàng. Ngoài rác vệ sinh hàng ngày, rác phát sinh từ hoạt động quân sự như bảo quản kiểm sửa… sẽ được thu gom, phân loại, xử lý cẩn thận hơn theo một quy định riêng”.

“Để góp phần bảo vệ môi trường, đơn vị đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực như “Thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” tham gia vệ sinh môi trường biển, tổ chức phân loại xử lý rác và đặc biệt là rác thải phát sinh từ hoạt động quân sự. Lữ đoàn đã chủ động trang bị ở tất cả các vị trí quy định các thùng rác gắn nhãn mác để bộ đội dễ nhận biết, tiện lợi hơn cho việc thu gom và phân loại rác” - Đại úy Mai Công Long, Thuyền trưởng Tàu 18 thuộc Lữ đoàn cho biết.

Rác được thu gom, đóng gói cẩn thận tập kết lên bờ.

Không chỉ thời điểm cập cảng mà khi tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển thì việc phân loại, xử lý rác thải cũng được cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm túc. Theo thượng úy QNCN Nguyễn Trung Nghĩa: “Bản thân tôi còn kiêm nhiệm vị trí bếp trưởng của Tàu 18. Khi tàu đang thực hiện nhiệm vụ trên biển, rác thải nấu ăn dễ phân hủy sẽ được cắt nhỏ và xử lý trên biển, còn rác thải khó phân hủy như vỏ đồ hộp bằng kim loại, chai nhựa, túi ni lông… sẽ được gom lại đưa về bờ, tập kết lên các thùng rác của đơn vị để xử lý. Khi chuẩn bị lương thực, thực phẩm đi biển, thay vì sử dụng túi ni lông như trước đây, tàu thay thế bằng làn cói, giấy và vật dụng thân thiện với môi trường để bao gói, bảo quản”.

Đại úy Đặng Thế Miên - Phó thuyền trưởng Tàu 18 chia sẻ thêm: “Trước mỗi chuyến đi biển, do chưa quen sóng nên nhiều chiến sĩ mới thường chuẩn bị các loại bánh kẹo, nước, sữa... mang theo, đề phòng khi sóng lớn không ăn được cơm hay giờ giải lao anh em ngồi nói chuyện và nhâm nhi. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở anh em tuyệt đối không vứt rác xuống biển, ngoài ra phải chuẩn bị thêm các bao tải để đựng rác đưa về bờ xử lý”. Khi các thùng, bao tải chứa rác đã đầy thì cán bộ, chiến sĩ sẽ tận dụng các bao, hộp để đựng rác đã được phân loại. Theo quy định, các bộ phận, các khoang ngủ có tính chất cá nhân cũng phải chủ động phân loại, bỏ ra nơi thu gom theo đúng quy định.

Đến nay, 100% các cơ quan, tàu, đơn vị trực thuộc Lữ đoàn Tàu săn ngầm 171 Hải quân đều có thùng phân loại rác thải và cam kết hạn chế đến mức thấp nhất dùng vật liệu nhựa, cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, thực hiện nếp sống xanh, văn minh, nghĩa tình, nền nếp chính quy.

Ngoài thực hiện tốt các biện pháp để giữ gìn vệ sinh bảo vệ môi trường thì tinh thần đoàn kết, tự giác, giúp đỡ nhau, nhắc nhở bảo ban nhau trong giữ gìn vệ sinh chung của đơn vị cũng được thực hiện mọi lúc, mọi nơi... Phong trào phân loại và xử lý rác ở Lữ đoàn Tàu săn ngầm 171 đã và đang trở thành những nét đẹp văn hóa lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị Vùng 2 Hải quân và được đánh giá là mô hình “sống xanh” có thể áp dụng tới các đơn vị Hải quân, đặc biệt với các đơn vị thường xuyên, trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển.

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ:

Email: thukytoasoan.monre@gmail.com

Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)

Đặng Văn Đồng (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân)