Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Trong nước - Ngày đăng : 19:03, 01/06/2021

Ngày 01/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 829/QĐ-TTg bổ nhiệm ông Bùi Hồng Minh - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung Ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xi măng Việt Nam giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
                
chu tich hoi dong thanh vien vicem giu chuc thu truong bo xay dung
Ông Bùi Hồng Minh, tân Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Quyết định có hiệu lực từ ngày ký. Ông Bùi Hồng Minh, sinh ngày 17/10/1971, quê quán Hà Trung - Thanh Hóa. Trước khi được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM); thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xi măng Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xi măng Việt Nam; Bí thư Đảng uỷ Tổng Công ty; Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương. Trong quá trình công tác, ông đã đạt được nhiều thành tích, có nhiều đóng góp cho Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và ngành Xây dựng.

Ngành xi măng là ngành kinh tế tổng hợp, ứng dụng khoa học công nghệ nhiều ngành khác. Đảm nhận vị trí đầu tàu dẫn dắt ngành Xi măng Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, VICEM được Chính phủ giao đề xuất Chiến lược phát triển ngành xi măng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 báo cáo Bộ Xây dựng để trình Chính phủ phê duyệt; xây dựng Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2019-2025 đã được phê duyệt.

Trong 5 năm qua, nhờ thực hiện các chương trình đổi mới sản xuất, xử lý nút thắt công nghệ đã giúp VICEM tăng quy mô thêm 3 triệu tấn clinker mà cơ bản không phải bỏ thêm chi phí, tiết kiệm gần 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư; góp phần đưa lợi nhuận tăng gần 700 tỷ đồng hàng năm. Tổng Công ty Xi măng Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước, gồm 7 thương hiệu xi măng với 10 nhà máy trải dài khắp đất nước, từ Bắc đến Nam.

Nhiệm kỳ 2015-2020, VICEM sản xuất và tiêu thụ 143 triệu tấn sản phẩm, bằng 115% so với mục tiêu; tổng doanh thu đạt 182.100 tỷ đồng, bằng 107% so với mục tiêu; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 13.700 tỷ đồng tăng 2,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; nộp ngân sách 11.450 tỷ đồng, tăng 1,96 lần so với giai đoạn trước; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân là 16,66% tăng 1,2 lần so với giai đoạn trước. Tính đến đầu năm 2020, vốn chủ sở hữu của VICEM là 21.480 tỷ đồng, tăng gần 8% so với năm 2015.

Với mục tiêu vì một VICEM xanh, phát triển bền vững, VICEM đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện Tổng Công ty, tập trung khởi tạo mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm tối đa sử dụng tài nguyên thiên nhiên bằng các nguyên liệu lấy từ chất thải của các ngành kinh tế khác, cùng các chất thải trong hoạt động hằng ngày của con người.

Theo Báo Xây dựng