Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử trong trường học

Xã hội - Ngày đăng : 18:10, 01/06/2021

(TN&MT) - Đó là khẳng định của ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tại Hội thảo trực tuyến về giải pháp phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới đối với học sinh chiều 31/5 khi bà đề xuất giải pháp trước thực tế có gần 3% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử.

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học

Theo ThS. Trần Thị Trang, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là hai loại thuốc lá thế hệ mới phổ biến hiện nay, chưa được phép kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam. Tuy vậy, các nghiên cứu cho thấy thực trạng sử dụng thuốc lá thế hệ mới tương đối đáng kể, với tốc độ đang gia tăng, làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá nói chung, đồng thời giảm hiệu quả của công tác phòng, chống thuốc lá tại Việt Nam trong thời gian qua.

Đáng chú ý, thanh thiếu niên không hút thuốc lá truyền thống vẫn thử và bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử trên toàn cầu, đặc biệt là tại Việt Nam. Cùng với đó là gánh nặng “nghiện kép” khi người đang hút thuốc lá điếu thông thường sử dụng thuốc lá điện tử nhiều hơn những người không hút thuốc lá.

Theo kết quả điều tra sức khỏe học đường năm 2019, có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử và tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%.

ThS. Trần Thị Trang cho rằng, mọi sản phẩm thuốc lá đều gây hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, xã hội, kinh tế. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trong đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người chưa hút thuốc lá.

Trước thực tế đó, Bộ Y tế đề xuất chưa cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm gây nghiện và chưa có phương pháp cai nghiện riêng này, cũng như không thí điểm sản xuất, kinh doanh, sử dụng. Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu và tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, nhất là trong các trường học.

Lan Chi