Ninh Bình: Một số tồn tại bất cập trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 19:58, 29/05/2021

(TN&MT) - Những năm qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đảm bảo sử dụng đất hiệu quả và phát triển bền vững. Mặc dù vậy, việc triển khai lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện chậm; công tác đăng ký, dự báo nhu cầu sử dụng đất còn mang tính chủ quan, chưa chưa bám sát thực trạng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) tỉnh Ninh Bình đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 17/9/2012 phù hợp với định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Căn cứ chỉ tiêu sử dụng đất, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thiện Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 05/02/2018.

Đối với cấp huyện, đến hết tháng 10/2018, UBND tỉnh đã hoàn thành việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cho 8/8 huyện, thành phố.

Còn trường hợp chưa thống nhất với quy hoạch khác

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh được duyệt đều có sự thống nhất đồng bộ giữa các quy hoạch như: Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Quần thể Danh thắng Tràng An; Quy hoạch chung xây dựng thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp) đến năm 2030; Quy hoạch chung đô thị Nho Quan đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu 4 khu vực đô thị trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị Phát Diệm…

Một góc TP Ninh Bình. Ảnh: TM

Cùng với đó, nhiều quy hoạch chuyên ngành cũng được triển khai lập và phê duyệt như: Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015 -2020, định hướng đến 2025; Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch nông thôn mới…

Tuy nhiên, do thời kỳ thực hiện quy hoạch chưa đồng nhất (quy hoạch sử dụng đất là 10 năm; trong khi một số quy hoạch chung thời kỳ thực hiện là 20 năm hoặc dài hơn,...); một số quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch đô thị được phê duyệt sau khi quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt; do đó nhu cầu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực chưa được cập nhật, tổng hợp đầy đủ vào quy hoạch sử dụng đất...

“Bởi vậy, còn một số trường hợp chưa có sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện”, báo cáo nêu rõ.

Phát sinh một số công trình dự án chưa có trong quy hoạch

Đáng chú ý, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất, do có một số công trình dự án phát sinh chưa có trong quy hoạch, UBND tỉnh Ninh Bình đã xem xét trình HĐND tỉnh thông qua Nghị Quyết điều chỉnh quy mô, địa điểm một số công trình, dự án trong điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp huyện để làm căn cứ thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất ...

Theo đánh giá, công tác lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của Ninh Bình đã được UBND tỉnh và các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ, nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bám sát định hướng, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, đảm bảo sử dụng đất hiệu quả và phát triển bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên, đảm bảo đúng chỉ tiêu sử dụng đất được Chính phủ phân khai cho tỉnh, đảm bảo tính pháp lý, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn.

Các công trình, dự án xác định trong Kế hoạch sử dụng đất đảm bảo trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được phê duyệt; được Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết thu hồi, Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ. Đó là căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc triển khai lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện vẫn chậm; công tác đăng ký, dự báo nhu cầu sử dụng đất còn mang tính chủ quan, chưa chưa bám sát thực trạng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trong khi đó, các giải pháp thực hiện quy hoạch còn chưa đồng bộ, quyết liệt dẫn đến một số chỉ tiêu thực hiện còn thấp. Một số công trình dự án đăng ký nhu cầu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa phù hợp về quy mô, vị trí cũng như khả năng và tiến độ thực hiện.

Nguyên nhân của những tồn tại trên được UBND tỉnh Ninh Bình chỉ ra rằng, đất đai và các vấn đề sử dụng đất luôn nhạy cảm phức tạp ở địa phương biến động và thay đổi theo từng ngày, trong khi cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai cũng luôn có sự điều chỉnh bổ sung.

Trong giai đoạn 2016-2020 nền kinh tế chung của cả nước và tỉnh Ninh Bình gặp nhiều khó khăn, vốn đầu tư công giảm do chủ trương của Chính phủ, thị trường bất động sản tăng giảm thất thường và các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước giảm đáng kể.

Một số dự án sau khi được chấp thuận chưa tập trung tìm giải pháp quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ thực hiện còn chậm làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất …

Từ năm 1/1/2016 đến nay UBND tỉnh đã ban hành 3 Quyết định về việc hủy bỏ các công trình, dự án tổng số 877 công trình, dự án với tổng diện tích 4.926,01ha.

Tuyết Chinh