Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025 trồng 5,5 triệu cây xanh

Tin tức - Ngày đăng : 08:48, 26/05/2021

(TN&MT) - UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh trồng được 5,5 triệu cây xanh phân tán các loại.

Thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021; Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, ngày 24 tháng 5 năm 2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 70/KH-UBND về trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025.

Ninh Bình phấn đấu trồng được 5,5 triệu cây xanh đến năm 2025. Ảnh minh hoạ

Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh trồng được 5,5 triệu cây xanh phân tán các loại, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Việc tổ chức trồng cây xanh phải theo kế hoạch, công tác chăm sóc, bảo vệ sau trồng cây phải đặc biệt được quan tâm và gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây sau khi trồng đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân. Việc tổ chức thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức; đẩy mạnh xã hội hóa để từng bước giảm dần việc sử dụng kinh phí Nhà nước trong tổ chức trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh.

Sau khi thực hiện trồng cây, các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt; báo cáo kế hoạch tổ chức và kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để theo dõi và chỉ đạo thực hiện.

Về chỉ tiêu trồng cây xanh: Trồng khu vực hành lang an toàn hệ thống đường địa phương (đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường khác thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn) là 209 nghìn cây; Trồng khu dân cư, công cộng, công sở, trang trại, trường học, nhà máy, khu công nghiệp, khu Văn hóa - Lịch sử, khu du lịch... là 387 nghìn cây; Trồng khu vực vườn đồi, vườn nhà, đất lâm nghiệp nhỏ lẻ, phân tán (có diện tích nhỏ hơn 0,3 ha): 4.504 nghìn cây. Trồng rừng phòng hộ tập trung là 400 nghìn cây (không bao gồm diện tích trồng rừng thay thế).

Theo Kế hoạch, chủ yếu là trồng cây xanh phân tán bao gồm cây xanh đô thị, cây lâm nghiệp trồng phân tán và một phần diện tích rừng trồng tập trung bao gồm trồng rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất là rừng gỗ lớn, không tính diện tích trồng rừng thay thế và trồng lại rừng sản xuất sau khai thác gỗ.

Tuyết Chinh