Lai Châu: Xử phạt hành vi khai thác, tàng trữ đá trái phép tại xã Nậm Khao

Khoáng sản - Ngày đăng : 14:31, 25/05/2021

(TN&MT) - UBND tỉnh Lai Châu vừa ban hành 2 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 cá nhân có hành vi khai thác trái phép và 1 doanh nghiệp tàng trữ trái phép đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Nậm Khao, huyện Mường Tè.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Thăng Long về hành vi khai thác khoáng sản trái phép tại xã Nậm Khao, huyện Mường Tè.

Theo đó, tại Quyết định số 546/QĐ-XPVPHC, UBND tỉnh Lai Châu xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Thăng Long về hành vi vi phạm hành chính: Khai thác 540 m3 đá là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Nậm Khao, huyện Mường Tè mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điểm khai thác, chế biến khoáng sản trái phép tại xã Nậm Khao, huyện Mường Tè.

Ông Nguyễn Thăng Long bị phạt tiền 40.000.000 đồng và áp dụng các hình thức phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ khoáng sản (gồm 90m3 đá 4x6cm và 450m3 đá 1x2cm) được quy đổi bằng tiền là 176.400.000 đồng theo Biên bản định giá tài sản ngày 12/5/2021 của Hội đồng thẩm định giá tài sản huyện Mường Tè; tịch thu phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm hành chính gồm 1 máy nghiền búa, 1 sàng đá, 5 băng chuyền. Ông Nguyễn Thăng Long buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn và có trách nhiệm nộp số tiền phạt (tổng số tiền 216.400.000đồng) trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt.

Tại Quyết định số 547/QĐ-XPVPHC, UBND tỉnh Lai Châu cũng đã xử phạt Công ty TNHH MTV Thái Vấn về hành vi tàng trữ 60m3 khoáng sản (đá 1x2cm làm vật liệu xây dựng thông thường) không có nguồn gốc hợp pháp. Công ty TNHH MTV Thái Vấn bị xử phạt 20.000.000 đồng và bị tịch thu toàn bộ 60m3 đá làm vật liệu xây dựng thông thường (đá 1x2cm).

Quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Thái Vấn về hành vi tàng trữ 60m3 khoáng sản trái phép.

Trước đó, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Nậm Khao, huyện Mường Tè kéo dài nhiều năm nay vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý dứt điểm. Trao đổi về vụ việc, ông Mai Văn Thạch, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu cho biết: Việc để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trước tiên trách nhiệm thuộc về UBND xã nơi có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Sau đó là trách nhiệm quản lý của UBND huyện Mường Tè.

Được biết, ngày 13/8/2018, UBND tỉnh Lai Châu đã ra Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND quy định quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu UBND cấp huyện, cấp xã chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, khi phát hiện hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép phải chủ động huy động, tổ chức ngay lực lượng để giải tỏa, ngăn chặn; lập biên bản hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo thẩm quyền.

Nếu địa phương nào để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý, gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho các hoạt động khoáng sản trái phép, trái pháp luật phải xử lý kịp thời, nghiêm minh để việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Lai Châu mang lại hiệu quả.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.

UBND cấp xã có trách nhiệm tuyên truyền n phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản đến thôn, bản xóm; vận động người dân không khai thác thu mua tàng trữ vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố giác tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Phát hiện và thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện; trường hợp vượt quá thẩm quyền kịp thời báo cáo UBND cấp huyện để chỉ đạo công tác giải tỏa. Định kỳ 6 tháng báo cáo tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương cho UBND cấp huyện.

Trường hợp để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép thành điểm nóng, tập trung đông người, ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự xã hội, gây bắc xúc cho nhân dân, Chủ tịch UBND cấp xã nơi có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện.

Thiết nghĩ, để tránh lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách Nhà nước, tỉnh Lai Châu cần có sự chỉ đạo quyết liệt để huyện Mường Tè cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh vào cuộc xử lý dứt điểm các địa điểm khai thác khoáng sản trái phép và có chế tài xử lý nghiêm tình trạng buông lỏng quản lý tại các địa phương để xảy ra tình khai thác khoáng sản trái phép.

Hà Thuận