Đa dạng sinh học bị phá hủy - đại dịch sẽ còn tiếp diễn

Tài nguyên - Ngày đăng : 10:58, 18/05/2021

(TN&MT) - Đại dịch trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên hơn, giết chết nhiều người hơn và gây thiệt hại thậm chí tồi tệ hơn cho nền kinh tế toàn cầu nếu không có sự thay đổi cơ bản trong cách con người đối xử với thiên nhiên. Lời cảnh báo này được Ủy ban đa dạng sinh học (IPBES) của Liên Hợp Quốc cảnh báo, đưa ra trong một Báo cáo về đa dạng sinh học và đại dịch được công bố cuối năm 2020.

Báo cáo của Ủy ban IPBES chỉ rõ, 3/4 diện tích đất trên Trái đất đã bị suy thoái nghiêm trọng do hoạt động của con người. Các tác động của con người bao gồm khai thác môi trường không bền vững thông qua phá rừng, mở rộng nông nghiệp, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Những hoạt động này khiến con người tiếp xúc ngày càng chặt chẽ với các loài động vật hoang dã và động vật nuôi, cũng như dịch bệnh mà chúng ẩn chứa. Theo đó, có tới 850.000 virus giống như virus corona chủng mới, tồn tại ở động vật và có thể lây nhiễm sang người. Việc phá hủy môi trường sống và tiêu thụ vô độ đã khiến các bệnh truyền qua động vật có nhiều khả năng lây sang người trong tương lai.

Khoa học cũng đã chứng minh, mất đa dạng sinh học có thể thúc đẩy bệnh truyền từ động vật sang người - mặt khác, nếu chúng ta giữ nguyên đa dạng sinh học, nó cung cấp các công cụ tuyệt vời để chống lại đại dịch như những bệnh do virus corona gây ra. Qua nghiên cứu hơn 140 loại virus lây từ động vật sang người và đối chiếu với Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), các nhà khoa học Mỹ nhận thấy khoảng 75% vật chủ trung gian của nhiều loại virus gây bệnh là những động vật linh trưởng, dơi và chuột.

Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cửa hàng buôn bán động vật. Ảnh: MH

Thực tế, việc hàng nghìn loài động vật và thực vật ra khỏi môi trường sống của chúng đã dẫn đến các đợt bùng phát dịch. Chẳng hạn như dịch bệnh Ebola, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976, năm 2014 - 2016 lại bùng phát giết chết hơn 11.000 người ở Tây Phi. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, nạn phá rừng có liên quan đến các đợt bùng phát trong giai đoạn 2004 - 2014. Nạn phá rừng đã chia cắt những cánh rừng thành từng mảnh nhỏ, điều này khiến các loài động vật hoang dã - vật chủ lây truyền Ebola tập trung lại với mật độ dày hơn, trở thành “hành lang” duy trì nguồn bệnh và mở rộng quá trình lây nhiễm. Sự phân mảnh rừng cũng làm tăng nguy cơ tiếp xúc giữa con người và động vật hoang dã dọc theo bìa rừng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong đại dịch Covid-19 hiện nay. Covid-19 là đại dịch toàn cầu thứ sáu kể từ Đại dịch cúm năm 1918, mặc dù bắt nguồn từ virus trên động vật, sự xuất hiện của Covid-19 hoàn toàn do các hoạt động của con người thúc đẩy, giống như mọi đại dịch khác.

Việt Nam cũng đã xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi nghiêm trọng và có nguồn gốc từ động vật với khả năng phát triển thành đại dịch. Trong những năm gần đây, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch SARS, dịch cúm gia cầm tuýp A (H5N1), dịch cúm A (H5N6) và chủng gây đại dịch cúm A (H1N1)…

TS. Peter Daszak, Chủ tịch Liên minh EcoHealth, một trong những tác giả của Báo cáo cho biết: “Các hoạt động của con người gây ra biến đổi khí hậu và mất mát đa dạng sinh học, đồng thời dẫn đến nguy cơ đại dịch do tác động đến môi trường. Những thay đổi trong việc sử dụng đất; mở rộng và thâm canh nông nghiệp; buôn bán, sản xuất và tiêu dùng không bền vững đã hủy hoại thiên nhiên và gia tăng sự tiếp xúc giữa động vật hoang dã, vật nuôi, mầm bệnh và con người. Đây là con đường dẫn đến đại dịch”.

Sức khỏe của con người và của cả hệ sinh thái có sự kết nối ngày càng rõ rệt. Khi con người xâm lấn tự nhiên và làm suy kiệt môi trường sống quan trọng, những rủi ro liên quan tới bệnh tật cũng ngày càng tăng.  Đánh mất đa dạng sinh học sẽ tạo ra mối đe dọa đến tất cả mọi mặt của sự sống, bao gồm cả sức khỏe của nhân loại. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành dữ dội, mỗi chúng ta hãy góp sức bảo vệ đa dạng sinh học để ngăn chặn những đại dịch trong tương lai.

Ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc

Linh Chi