"Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên”
Môi trường - Ngày đăng : 10:58, 18/05/2021
Ông Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường |
PV: Thưa ông, Chủ đề Ngày Quốc tế ĐDSH đều hướng đến thông điệp sống hài hòa với tự nhiên, thuận theo tự nhiên để hướng đến phát triển bền vững. Xét trong bối cảnh suy thoái tự nhiên gia tăng và biến đổi khí hậu, thông điệp này có ý nghĩa như thế nào trên quy mô toàn cầu?
Ông Nguyễn Văn Tài:
Đa dạng sinh học cấp độ hệ sinh thái (HST) cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là các dịch vụ điều tiết và hỗ trợ, giúp con người thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Cụ thể: Các rạn san hô và rừng ngập mặn ven biển hỗ trợ chắn sóng, bảo vệ bờ biển; các vùng đất ngập nước giúp chứa nước, điều tiết lũ; rừng và cây rừng hấp phụ carbon, điều hòa không khí, ổn định trầm tích, giảm dòng chảy của lũ, chống sạt lở đất... Theo Báo cáo đánh giá về ĐDSH và dịch vụ HST toàn cầu của Diễn đàn liên Chính phủ về ĐDSH và dịch vụ HST (Báo cáo IPBES, 2019), ĐDSH cung cấp 18 dịch vụ cơ bản trên toàn cầu để duy trì các hoạt động sống và phát triển của con người. Tuy nhiên, 14/18 đóng góp này của thiên nhiên đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu. Mặc dù có tầm quan trọng nhưng ĐDSH trên toàn cầu đang bị suy thoái, tình trạng này đe dọa đến tiến trình phát triển bền vững của nhân loại. Chính vì thế, Liên Hợp Quốc kêu gọi áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm thúc đẩy bảo tồn ĐDSH, sống hài hòa với thiên nhiên nhằm đóng góp chung vào nỗ lực toàn cầu trong bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH và phát triển bền vững.
Tiếp theo chủ đề Ngày Quốc tế ĐDSH năm 2020, năm 2021 với chủ đề “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” nhấn mạnh thông điệp để sống hài hòa với thiên nhiên, để bảo tồn ĐDSH và bảo vệ thiên nhiên có rất nhiều giải pháp và con người là một mảnh ghép quan trọng trong các giải pháp này. Các giải pháp của con người dựa vào thiên nhiên và bảo tồn ĐDSH là chìa khóa để giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi và thích ứng ở một số khu vực quan trọng như: bảo tồn và phục hồi các HST rừng trên cạn, HST đất ngập nước, cũng như HST biển và đại dương; xây dựng hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững, thân thiện với môi trường. Công ước ĐDSH cũng nhấn mạnh, con người là một phần của thiên nhiên chứ không thể tách rời khỏi thiên nhiên.
PV: Để lan tỏa thông điệp “Chúng ta là một phần của giải pháp”, Bộ TN&MT sẽ tổ chức các hoạt động gì để hưởng ứng? Ông có chia sẻ gì với bạn đọc cả nước về những hành động đơn giản mà thiết thực bảo vệ môi trường nói chung và ĐDSH nói riêng?
Ông Nguyễn Văn Tài:
Ngày Quốc tế ĐDSH năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp. Do đó, các hoạt động hưởng ứng sẽ khó tổ chức trực tiếp rầm rộ như các năm trước, mà hướng tới các hình thức truyền thông trực tuyến. Mới đây, Bộ TN&MT đã gửi Công văn tới các Bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc triển khai các hoạt động truyền thông để phổ biến tới cán bộ và người dân về: Giá trị, vai trò, tầm quan trọng của ĐDSH, của các di sản thiên nhiên; Các giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn ĐDSH; Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững; Áp dụng tiếp cận HST trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng; Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư.
Năm nay, Bộ TN&MT sẽ vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 - 2020 nhằm động viên, khuyến khích phát triển phong trào nghiên cứu khoa học về ĐDSH là hoạt động ý nghĩa, diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, tốc độ suy thoái ĐDSH của nước ta và thế giới có xu hướng tăng.
Để không đứng ngoài công cuộc bảo vệ ĐDSH, mỗi chúng ta có thể góp sức bằng những hành động đơn giản, như sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về ĐDSH, không khai thác, buôn bán, lưu giữ, tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp. Không nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại. Gìn giữ các tri thức truyền thống về bảo tồn và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, bảo vệ nguồn nước, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, các cảnh quan thiên nhiên…
Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên. Ảnh: MH |
PV: Dưới góc độ quản lý, ông đánh giá như thế nào về thực trạng ĐDSH của Việt Nam. Thời gian tới, cần làm gì để tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn ĐDSH, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tài:
Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về sự phong phú, đa dạng của các HST, các loài và tài nguyên di truyền. Tổng diện tích rừng là 14.609.220 ha, đạt độ che phủ 41,89%, trong đó có 2.161.661 ha là rừng đặc dụng dành cho bảo tồn, 4.646.138 ha rừng phòng hộ và 4.263.935 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2020), với 176 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 9 khu Ramsar với tổng diện tích 120.549 ha; 10 Vườn di sản ASEAN; 9 khu vực được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích là 4.253.108 ha. Đến nay, trong sinh giới Việt Nam, khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định gồm: khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; dưới biển, có trên 11.000 loài sinh vật biển. Trong thành phần các loài sinh vật đã biết, số lượng loài đặc hữu ở Việt Nam chiếm một tỷ lệ khá lớn (khoảng 30% số loài thực vật bậc cao trên cạn; 4,6% số loài, phân loài chim; 27,4% số loài trai, ốc nước ngọt; khoảng 58% số loài tôm, cua nước ngọt…) (Báo cáo quốc gia lần thứ 6 thực hiện Công ước CBD, 2020). ĐDSH đóng vai trò chủ chốt đối với sinh kế của một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thu nhập chủ yếu đều dựa vào việc khai thác tài nguyên ĐDSH. Tuy nhiên, ĐDSH Việt Nam đang bị đe dọa và ngày càng suy thoái, nhất là các HST tự nhiên. HST đất ngập nước lại đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, cực đoan. Rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 0,57 triệu ha, chỉ 1% các rạn san hô có độ phủ trên 75%, số loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam ngày càng tăng với 1.112 loài. HST đất ngập nước ven biển, vùng biển ven bờ đang chịu ảnh hưởng do xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, rác thải từ nhà máy công nghiệp, phát triển quá mức lồng bè nuôi ở các vụng, vịnh biển. Diện tích các HST đất ngập nước tự nhiên như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng tràm, hồ tự nhiên có xu hướng suy giảm nhưng các kiểu đất ngập nước nhân tạo như hồ chứa nước, ao nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, ao xử lý nước thải… có chiều hướng gia tăng.
Trước thực trạng này, việc tăng cường hiệu quả bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH tại Việt Nam là một trong những nhiệm vụ cấp bách của quốc gia. Để làm được điều này, thời gian tới Bộ TN&MT đã định hướng: Thứ nhất là đẩy mạnh việc triển khai thực thi và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý ĐDSH, cụ thể: Xây dựng các nội dung về ĐDSH lồng ghép trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; xây dựng Dự án sửa Luật ĐDSH; xây dựng Chiến lược quốc gia về ĐDSH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2040; xây dựng Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ hai là phát triển hệ thống di sản thiên nhiên, đẩy mạnh các hoạt động kết nối với các địa phương, các khu di sản thiên nhiên. Thứ ba là thúc đẩy phục hồi các HST tự nhiên quan trọng, bảo vệ các loài hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Thứ tư là tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH nhằm huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH; đẩy mạnh tiến hành thanh, kiểm tra về công tác quản lý bảo tồn ĐDSH. Đồng thời, truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp và cộng đồng trong bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trên toàn quốc; huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Các Khu bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam
Theo số liệu thống kê đến hết năm 2020, Việt Nam có 34 Vườn Quốc gia gồm các vùng đất liền, đồng bằng châu thổ, ven biển, là các Vườn Quốc gia: Bái Tử Long, Ba Bể, Phia Oắc - Phia Đén, Tam Đảo, Xuân Sơn, Hoàng Liên, Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn; Cát Bà, Xuân Thủy, Ba Vì, Cúc Phương; Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã; Sông Thanh, Phước Bình, Núi Chúa, Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, Yok Đôn, Chư Yang Sin, Tà Đùng, Bidoup Núi Bà, Cát Tiên, Bù Gia Mập, Lò Gò - Xa Mát, Côn Đảo, Tràm Chim, Mũi Cà Mau, U Minh Hạ, U Minh Thượng, Phú Quốc.
Có 59 Khu bảo tồn thiên nhiên bảo vệ các khu vực sinh thái đất ngập nước, ven biển rừng bao gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ; Các Khu bảo tồn thiên nhiên: Kon Chư Răng, Bà Nà Núi Chúa, Pù Luông, Cù lao Chàm, Sơn Trà, Mường Nhé, Hang Kia - Pà Cò, Sốp Cộp, Thượng Tiên, Xuân Nha, Lung Ngọc Hoàng, Núi Cấm, Phú Thạnh, Vồ Dơi...
Có 9 Khu dự trữ sinh quyển là Khu dự trữ dinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng; Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang; Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An; Các Khu dự trữ sinh quyển: Đồng Nai, Cát Bà, Mũi Cà Mau, Cù Lao Chàm, Langbian.
Có 23 Khu bảo tồn loài là Khu bảo tồn loài vượn Cao vít Trùng Khánh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo, Khu bảo tồn Hương Nguyên, Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên - Huế, Khu bảo tồn Sao La Quảng Nam, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tỉnh Quảng Nam, Khu bảo tồn Đắk Uy, Khu bảo tồn sinh cảnh Ea Ral, Khu bảo tồn Trấp Ksơ, Khu bảo tồn loài là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Khu bảo tồn thiên nhiên vườn Chim Bạc Liêu và Sân Chim đầm Dơi...