Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 11:20, 16/04/2021

(TN&MT) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Điều này cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng với nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.

Quý I, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45% và là ngành đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế với 2,37 điểm phần trăm. Ảnh minh họa

Cụ thể, trong ngành nông nghiệp, năng suất lúa và sản lượng cây lâu năm đạt khá; đàn lợn tiếp tục đà hồi phục. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng. Ngành thủy sản khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước, giá cá tra và tôm thương phẩm có xu hướng tăng.

Ngành công nghiệp đạt mức tăng khá 6,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45% và là ngành đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế với 2,37 điểm phần trăm. Mức tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiệm cận mức tăng 2 con số so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp này.

Trong hoạt động dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại. Hoạt động xuất, nhập khẩu hồi phục mạnh mẽ, cán cân thương mại hàng hóa quý I/2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD. Trong quý I, cả nước có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cùng với đó, xuất khẩu một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Sản phẩm hóa chất tăng 35%; sản phẩm từ chất dẻo và xơ, sợi dệt các loại cùng tăng 31%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 41,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 31,3%; sắt, thép tăng 65,2%…

Đáng chú ý, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký tăng 27,5% do tăng số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng và giảm số doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2021 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương vẫn tiếp tục thu hút được dự án công nghệ cao, điển hình là Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD; Dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD… Đây chính là thành quả của quá trình phòng, chống dịch bệnh thành công cũng như phản ánh niềm tin, kỳ vọng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng nền kinh tế nước ta.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua. Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế quý I/2021 tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2021 ước tính là 2,19%; thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý I/2021 là 7,2 triệu đồng/tháng, tăng hơn 557 nghìn đồng so với quý trước và tăng 133 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế quý I vẫn tồn tại những điểm cần lưu ý như: Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tăng trưởng kinh tế đạt mức tích cực nhưng chưa đạt tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, một số ngành tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Giá trị tăng thêm ngành vận tải, kho bãi giảm 2,17% so với cùng kỳ năm trước; ngành dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 4,49%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 4,02%. Ngành hàng không, du lịch tiếp tục bị tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh chưa được kiểm soát trên thế giới...

Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại của nền kinh tế, thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2021, Tổng cục Thống kê cho rằng, giải pháp trước mắt là cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng nhằm khống chế dịch bệnh, ổn định phát triển kinh tế.

Đồng thời, tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEPT để đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, nâng cao cơ hội cạnh tranh và nâng cao giá trị của hàng hóa xuất khẩu nhất là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ.

Lưu Nguyên Sơn