Giá thuê khu vực biển: Cần linh hoạt hơn

Biển đảo - Ngày đăng : 11:21, 15/04/2021

(TN&MT) - Nghị định 11/ND-CP sửa đổi từ Nghị định 51/2014 về giao cho thuê khu vực biển cũng đã đưa ra mức giá cụ thể cho thuê từng khu vực. Theo đó, Nghị định mới này cũng chia các hoạt động phải chi trả phí dịch vụ cho thuê thành 6 nhóm theo mục đích sử dụng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để “đánh thức” tiềm năng, nâng tầm giá trị khu vực biển, khi được giao và sử dụng như một tài sản cố định không khác đất đai thì cần tính toán linh hoạt, điều chỉnh hàng năm để phù hợp với thực tiễn.

Giá thuê khu vực biển chưa thay đổi

Theo quy định tại Nghị định 11- NĐ/CP, giá thuê để sử dụng khu vực biển làm cảng biển, cảng nổi, cảng dầu khí ngoài khơi và các cảng, bến khác; làm vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, luồng hàng hải chuyên dùng, các công trình phụ trợ khác; vùng nước phục vụ hoạt động của cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, xây dựng cảng tàu vận tải hành khách; vùng nước phục vụ hoạt động nhà hàng, khu dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao trên biển; khu neo đậu, trú nghỉ đêm của tàu thuyền du lịch; khai thác dầu khí; khai thác khoáng sản; trục vớt hiện vật, khảo cổ (nhóm 2) từ 6.500.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm;

Nếu sử dụng khu vực biển để xây dựng cáp treo, các công trình nổi, ngầm, lấn biển, đảo nhân tạo, xây dựng dân dụng và các công trình khác trên biển (nhóm 3), giá sẽ từ 6.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm;

Còn muốn sử dụng khu vực biển để xây dựng hệ thống đường ống dẫn ngầm, lắp đặt cáp viễn thông, cáp điện (nhóm 4) phải trả phí là từ 5.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm;

 Sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, xây dựng cảng cá (nhóm 5) từ 4.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm; Sử dụng khu vực biển để khai thác năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng hải lưu và các hoạt động sử dụng khu vực biển khác (nhóm 6) từ 3.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm.

Riêng sử dụng khu vực biển để nhận chìm (nhóm 1) do có yếu tố tác động đến môi trường nên phải trả phí cao hơn từ 15.000 đồng/m3 đến 20.000 đồng/m3 vật liệu nhận chìm.

Toàn cảnh khu du lịch Hòn Gai (Quảng Ninh). Ảnh: MH

Có thể thu được giá cao hơn

Theo phân tích của TS. Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam, mỗi năm, 1 triệu km2 biển Việt Nam có giá trị kinh tế tự nhiên khoảng 1.571 tỷ USD (con số tiềm năng). Với giá thuê 7,5 triệu đồng/ha/năm, nếu cho thuê toàn biển Việt Nam tính ra chưa đến 30 tỷ USD, trong khi thực tế có thể thu được 36 tỷ USD (36 tỷ USD là tổng giá trị thu được từ các dịch vụ biển năm 2015 của Việt Nam. Vì vậy, giá cho thuê hiện tại còn tương đối thấp so với giá trị thực mang lại.

Đối với các khu vực biển có danh hiệu quốc gia hay quốc tế, giá trị khai thác du lịch, dịch vụ lớn, theo định giá của UNEP là 200.000 USD hay 350.000 USD/ha/năm, kể cả những bãi tắm thông thường. Giá cho thuê biển tại Việt Nam cao nhất hiện nay đối với 6 nhóm hoạt động sử dụng biển đều nằm trong giới hạn khoảng 3 - 7,5 triệu đồng/ha/năm, tức khoảng 130 - 350 USD/ha/năm. Khoảng biên độ dao động không quá lớn và không phân biệt vị trị địa lý, như khu vực biển gần bờ hay xa bờ, tại trung tâm hay gần khu vực biển có danh hiệu quốc gia hay quốc tế. Ví dụ như vịnh Hạ Long có danh hiệu quốc tế - Di sản thiên nhiên thế giới, giá phải ngang bằng quốc tế, nhưng giá cho thuê vẫn như những khu vực khác, tối đa không quá 7,5 triệu đồng/ha/năm.

Các khu vực biển liên tục gia tăng trong 20 năm gần đây. Khu vực san hô có giá trị cao nhất gấp 700 lần so với biển khơi, khu vực biển gần bờ cao hơn 88 lần ngoài khơi, khu đất ngập ven bờ cao hơn 400 lần biển khơi. Vì vậy, giá cả thuê giao phải được xem xét cẩn trọng. Cần xác định các vùng biển hay vùng bờ đắt giá và các vùng giá thấp để có thể tăng thu ngân sách, đặc biệt những khu du lịch đẳng cấp quốc tế: Vịnh biển, bãi biển, khu san hô, di sản thiên nhiên, khu bảo tồn biển...

TS. Toán cho rằng, cần xem xét điều chỉnh tăng giá thuê khu vực biển cao hơn, vì giá tối đa 7,5 triệu đồng/ha/năm là quá thấp, dễ bị thuê sử dụng không bền vững (ô nhiễm môi trường, làm công trình lấn biển, nhân tạo), đặc biệt là vùng đất ngập nước ven bờ (từ 0 - 6 m).

Khung giá nên đa dạng và đặc biệt mức cao nhất, như giá trị đất đai có nhiều khung và thay đổi trong một vài năm. Đối với các khu vực biển có danh hiệu quốc gia hay quốc tế, giá trị khai thác du lịch, dịch vụ lớn, giá nên ngang bằng quốc tế không thể đồng giá như khu vực biển khác. Khi định giá cao, sẽ mang lại nguồn thu ngân sách đáng kể. Và có thể tạo ra thêm các sinh kế mới, động lực mới.

Thông thường các khu vực biển gần bờ 3 đến 6 hải lý ít được giao cho thuê dài hạn. Và giá cho thuê vùng sát bờ tương đương giá đất đai liền kề và xét đến giá trị dịch vụ hệ sinh thái biển mang lại. Theo cách định giá của UNEP (Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc) thì giá dịch vụ vùng biển khơi xa gần 500 USD/ha/năm, sát bờ gần 200.000 USD/năm. So với định giá của UNEP thì thấy giá cho thuê biển Việt Nam theo Nghị định 11-NĐ/CP là rẻ, chỉ có 7,5 triệu đồng/ha/năm.

Minh Thư