Đồng Nai: Chú trọng ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh
Môi trường - Ngày đăng : 11:41, 13/04/2021
Chuyển biến tích cực
Đồng Nai là tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi tác động của BĐKH, nhưng theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn cho thấy, dưới tác động của BĐKH đã làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Đồng Nai; Hợp phần BĐKH thuộc Chương trình Mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo Kế hoạch số 13113 ngày 30/11/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT được giao 3 nhiệm vụ để thực hiện trong năm 2019 - 2020, bao gồm: “Đánh giá khí hậu tỉnh Đồng Nai”; “Xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” thuộc Chương trình Mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đến nay, 3 nhiệm vụ nêu đã được Sở TN&MT Đồng Nai hoàn thành việc tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 1450 ngày 5/10/2020 của Sở TN&MT về việc duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá khí hậu tỉnh Đồng Nai” với số tiền là hơn 1,8 tỷ đồng; Quyết định số 1546 ngày 20/10/2020 của Sở TN&MT về việc duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” với số tiền là hơn 558 triệu đồng.
Ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai (ảnh) cho biết: “Việc tập trung xây dựng các dự án quan trọng cấp quốc gia như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và các dự án giao thông liên kết vùng hiện đang được triển khai trên địa bàn tỉnh sẽ mang lại nhiều động lực, cơ hội thúc đẩy phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh cũng gây sức ép lớn về yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng..., đó là những thách thức mà tỉnh Đồng Nai sẽ đối mặt trong thời gian tới.
Ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai
Vì vậy, việc phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH là phương hướng mà tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới nhằm quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo; đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến môi trường; thực hiện tốt việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh”.
Và Quyết định số 1545 của Sở TN&MT Đồng Nai về việc duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050” thuộc Chương trình Mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với số tiền là hơn 302 triệu đồng. Đơn vị trúng thầu thực hiện 3 nhiệm vụ nêu trên là Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TP.HCM.
Hiện tại, Sở TN&MT Đồng Nai đã tiến hành ký hợp đồng với Viện Môi trường và Tài nguyên để thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá khí hậu tỉnh Đồng Nai”. Đối với 2 nhiệm vụ còn lại, Sở TN&MT Đồng Nai hiện đang phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên để thực hiện ký hợp đồng thực hiện 2 nhiệm vụ này theo quy định. Dự kiến 3 nhiệm vụ nêu trên sẽ được Sở TN&MT Đồng Nai hoàn thành trong năm 2021.
Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho rằng, qua thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với BĐKH, tăng trưởng xanh của tỉnh Đồng Nai cho thấy, công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được đa số các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và người dân rất quan tâm. Trong đó, công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến rất tích cực, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, Đồng Nai đã cơ bản xử lý xong các khu vực ô nhiễm môi trường cục bộ; quan tâm đầu tư hạ tầng về môi trường; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường; tăng dầy về tần suất mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường, vị trí; đầu tư các quan trắc tự động nước thải tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, chất lượng môi trường tương đối ổn định và có chiều hướng tốt hơn. Bước đầu, các ngành, các cấp và người dân đã có nhận thức, hành động để chủ động ứng phó với BĐKH.
Chủ động ứng phó
Theo Sở TN&MT Đồng Nai, trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường quản lý bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Trong đó, Đồng Nai sẽ tổ chức rà soát, bổ sung, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm việc khai thác tài nguyên không phép, trái phép, hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, Đồng Nai sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn lực tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước; kiểm soát tốt các tác động đến môi trường của các dự án được cấp phép, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là những dự án lớn, công nghệ phức tạp và có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Sở TN&MT Đồng Nai có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác ứng phó với BĐKH và thúc đẩy tăng trưởng xanh của tỉnh Đồng Nai. |
Bên cạnh đó, Đồng Nai sẽ tập trung triển khai các chương trình, dự án ưu tiên trong thực hiện quy hoạch về bảo tồn đa dạng sinh học; ngăn chặn hiệu quả suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với BĐKH và hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, các-bon thấp vì sự phát triển bền vững của tỉnh; tăng cường và chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH.
Đồng Nai cũng sẽ triển khai thực hiện chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn mới; đồng thời, ưu tiên thu hút đầu tư những dự án sản xuất sạch, thân thiện môi trường; kiểm soát các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, đặc biệt là các cơ sở có nguồn thải lớn phát sinh từ hoạt động công nghiệp; đẩy mạnh đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hệ thống quan trắc môi trường ở các khu công nghiệp và doanh nghiệp; đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cấp phép và kiểm soát các tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải trên địa bàn.
Song song đó, Đồng Nai sẽ thường xuyên giám sát tiến độ đầu tư các hạng mục xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp; tiếp tục thực hiện dự án tổng thể về ứng phó BĐKH; xây dựng kịch bản BĐKH và nước biển dâng; đánh giá tác động, xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh; chú trọng thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ phát triển bền vững tài nguyên rừng, đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, công cụ nhằm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Tùy theo tình hình thực tiễn nổi lên trong từng giai đoạn, Sở TN&MT Đồng Nai và các Sở, ban, ngành có liên quan sẽ phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai ra các Chỉ thị, Nghị quyết nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường nổi lên, không để hình thành các “điểm đen”, “điểm nóng” về bảo vệ môi trường, tài nguyên trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Đồng Nai cũng sẽ tiếp tục ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng, nâng cấp các phần mềm chuyên môn trong quản lý về tài nguyên và môi trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý trong tình hình mới; đồng thời, duy trì hoạt động hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường; nâng cấp các phần mềm điều hành công việc, quản lý môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, thanh tra, kiểm tra và cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường ngày càng hiện đại.