Sóc Trăng: Tập trung phát triển bền vững kinh tế biển

Biển đảo - Ngày đăng : 14:47, 24/03/2021

(TN&MT) - Nhằm phát huy những lợi thế, tiềm năng về vị trí, nguồn tài nguyên thiên nhiên biển, tỉnh Sóc Trăng đã và đang tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển. Song song với việc đẩy mạnh hoạt động phát triển kinh tế biển, tỉnh Sóc Trăng cũng đã triển khai các giải pháp nhằm quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường khu vực ven biển hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 

 Một góc Cảng cá Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

Khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển

Sóc Trăng là địa phương nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, tiếp giáp biển Đông với chiều dài bờ biển hơn 72km. Với vị trí địa lý thuận lợi cùng nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng đã và đang tạo cho tỉnh Sóc Trăng nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế đa ngành như: công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, năng lượng. 

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển như: khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đê biển, cảng biển… trên địa bàn tỉnh.

Với diện tích bãi bồi rộng và dài chạy dọc theo bờ biển đã giúp tỉnh Sóc Trăng có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng điện gió. Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, tính đến cuối năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch hơn 20 dự án điện gió với tổng quy mô công suất 1.435 MW. Trong đó, đã khởi công xây dựng 4 dự án. Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng cũng đang trình bổ sung quy hoạch thêm 9 dự án điện gió, với tổng công suất 458 MW.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đẩy mạnh nuôi thuỷ sản, hải sản ven biển theo hướng công nghiệp, đa dạng đối tượng nuôi, áp dụng công nghệ cao gắn với chế biến và xuất khẩu. Tính đến cuối năm 2020, diện tích nuôi thủy sản, hải sản vùng ven biển đạt khoảng 55.000 ha, trong đó nuôi tôm nước lợ 50.000 ha, bãi nghêu giống 300 ha và nghêu thương phẩm gần 5.000 ha.

Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng còn khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và vùng ven biển kết hợp với phát triển du lịch biển thông qua tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo. Đồng thời, triển khai nhiều dự án khu du lịch sinh thái như khu du lịch sinh thái Hồ Bể (TX. Vĩnh Châu), khu du lịch sinh thái Mỏ Ó (huyện Trần Đề).

Ông Đồng Thống Nhất - Chi cục trưởng Chi cục Biển - Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong thời gian qua, các Sở ngành, đơn vị chức năng của tỉnh Sóc Trăng đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tài nguyên, môi trường biển đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cũng đã phối hợp tổ chức các hoạt động vệ sinh thu gom rác thải ven biển; xây dựng công trình cải tạo khắc phục ô nhiễm các tuyến sông, kênh rạch khu vực ven biển trên địa bàn.

Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng còn triển khai nhiều dự án, trong đó phải kể đến dự án điều tra, xác định khu vực biển bị ô nhiễm, đánh giá các nguồn thải từ đất liền và từ trên biển; dự án xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ven biển; dự án thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo, xã đảo… nhằm phục vụ cho công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển.

Sóc Trăng tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng tạo động lực cho các huyện, thị ven biển phát triển kinh tế biển

Hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển trong thời gian tới, mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng theo nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Theo đó, trong giai đoạn 2020- 2025, tỉnh Sóc Trăng sẽ ưu tiên hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý như: xác định ranh giới quản lý trên biển với các tỉnh lân cận đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước về biển, đảo trên địa bàn tỉnh hiệu lực, hiệu quả, tránh các hành vi chồng lấn, tranh chấp trên biển; đồng thời, rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên các khu vực biển.

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ chuyển đổi các mô hình nuôi thuỷ sản nhỏ lẻ công nghệ lạc hậu, hiện quả thấp sang nuôi thuỷ sản công nghiệp có quy mô lớn; chuyển dịch ngư trường từ vùng biển ven bờ sang đánh bắt xa bờ; rà soát, điều chỉnh và phát triển các khu - cụm công nghiệp ven biển đảm bảo thuận lợi giao thông thủy bộ. Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch biển thông qua các tuyến du lịch Sóc Trăng - Côn Đảo; Cần Thơ - Sóc Trăng - Côn Đảo.

Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển, nâng cao năng lực cán bộ quản lý biển, hải đảo đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo tại địa phương.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung phát triển theo hướng đa dạng về đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh và bảo vệ môi trường nuôi bền vững; đẩy mạnh khai thác thủy sản, hải sản ở những vùng biển xa bờ theo hướng công nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản.

Tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ tiếp tục phát triển tiềm năng về điện gió; phát triển rừng ven biển và du lịch khu vực cửa sông, ven biển; phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất bãi bồi khu vực ven biển, khu vực biển; điều tra, khảo sát, đánh giá các tiềm năng khoáng sản biển; đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Trần Đề - Côn Đảo.

Lê Hùng