21% các công ty lớn nhất thế giới đặt mục tiêu không phát thải các-bon

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:27, 23/03/2021

(TN&MT) - Ngày 23/3,  Cơ quan Giám sát Khí hậu và Năng lượng (ECIU) và Oxford Net Zero đã công bố Báo cáo Điểm lại: Đánh giá toàn cầu về các mục tiêu không phát thải. Theo đó, 21% trong số 2.000 công ty lớn nhất thế giới, với tổng doanh thu gần 14 nghìn tỷ đô la, hiện đã có cam kết không phát thải các-bon.

Đây là tài liệu phân tích có hệ thống đầu tiên về các cam kết không phát thải của các quốc gia, các cấp chính quyền địa phương và các công ty lớn. Báo cáo cũng chỉ ra, 61% quốc gia (hiện đóng góp 61% lượng khí thải toàn cầu, đồng thời chiếm 68% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và 52% dân số toàn cầu) đã có cam kết không phát thải. Ngoài ra còn có 9% bang và vùng ở các quốc gia phát thải nhiều nhất và 13% thành phố có dân số trên 500 nghìn người cũng đưa ra mục tiêu này.

Chiến dịch “Cuộc đua tới mục tiêu không phát thải” do Liên hợp Quốc khởi xướng

Dựa trên bộ tiêu chí xác định mức độ quyết liệt tối thiểu của Chiến dịch “Cuộc đua tới mục tiêu Không phát thải” của Liên hợp quốc đặt ra, các chuyên gia đánh giá, mới chỉ có 1/5 số lượng các mục tiêu hiện hành đáp ứng yêu cầu. Trong đó, phần lớn các công ty dù đề ra mục tiêu không phát thải nhưng lại không đáp ứng được các tiêu chí về mức độ quyết liệt thực hiện. Họ có nguy cơ đối mặt với những cáo buộc “quảng cáo xanh” bề ngoài, nếu không bổ sung vào kế hoạch mục tiêu của mình các cơ chế quản trị minh bạch và phù hợp.

Nhóm tác giả báo cáo nhấn mạnh, chính phủ các nước cũng phải củng cố những cam kết của họ bằng các cơ chế báo cáo minh bạch, có kế hoạch công khai và đặt ra những mục tiêu trước mắt mang tính khả thi.

Theo ông Richard Black, đại diện nhóm tác giả báo cáo, mặc dù khái niệm không phát thải vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng đã thúc đẩy chính phủ các quốc gia thay đổi chính sách. Rõ ràng để giúp cho thế giới theo sát các mục tiêu khí hậu toàn cầu, chúng ta cần nhiều quốc gia, vùng, bang và công ty hơn tham gia. Đặc biệt, các quốc gia như Nhật Bản và Mỹ sẽ cần phải củng cố tham vọng không phát thải bằng các mục tiêu giảm phát thải trong giai đoạn tới đây vào năm 2030.

Báo cáo cũng chỉ ra, các quốc gia cũng như các công ty chưa nói rõ họ sẽ dùng những biện pháp bù trừ các-bon khi thực hiện mục tiêu của mình như thế nào. Trên thực tế, các biện pháp bù trừ các-bon dựa vào tự nhiên như trồng rừng hay giữ các-bon trong đất cũng chỉ có thể thực hiện trong ngưỡng cho phép của Trái đất, vì vậy không thể dựa quá nhiều vào chúng.

Tiến sĩ Thomas Hale, Đại học Oxford cho rằng, việc các bên nhanh chóng đề ra mục tiêu không phát thải là tín hiệu đáng mừng, nhưng chúng ta cũng cần họ nêu rõ các kế hoạch để hiện thực hoá chúng. Nhất là với dự định của họ về biện pháp bù trừ carbon. Mặc dù họ có thể cần dùng bù đắp carbon cho những “phát thải dư thừa trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng ưu tiên quan trọng nhất vẫn là giảm phát thải ngay lập tức. Nếu các công ty và quốc gia chỉ dựa vào bù trừ carbon mà không có đủ các động thái cắt giảm khí thải thực tế, thì chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu trên quy mô toàn cầu.

Càng gần đến hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow, dư luận sẽ càng đổ dồn chú ý vào số lượng các đơn vị, quốc gia đề ra những cam kết không phát thải cũng như khả năng của họ để giúp khí hậu nằm trong giới hạn 'an toàn', cũng như vào những cam kết gia hạn tới năm 2030 theo Thỏa thuận Paris (được gọi là Báo cáo Đóng góp do Quốc gia tự quyết, hoặc NDC).

 

Khánh Ly