Hưởng ứng Ngày bảo vệ rừng thế giới - Chung tay phủ xanh Trái Đất: Dịch vụ môi trường và tiền tệ sinh thái từ rừng

Kinh tế - Ngày đăng : 14:47, 16/03/2021

(TN&MT) - Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai nhiều năm và dần đi vào quỹ đạo. Nhằm cụ thể hóa Luật Lâm nghiệp và Luật Bảo vệ môi trường, ngành lâm nghiệp đang đề xuất thí điểm mở rộng đối với chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon của rừng. Để hiểu rõ hơn về các chính sách này, Báo TN&MT đã phỏng vấn Giáo sư Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.

Giáo sư Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) 

PV: Xin Giáo sư cho biết về những kết quả đạt được từ khi áp dụng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và tác động của chính sách này trong thực tiễn?

GS. Phạm Văn Điển:

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách lớn trong ngành lâm nghiệp, dựa trên triết lý "dịch vụ môi trường tạo ra tiền tệ sinh thái", nhận được sự đồng thuận cao của xã hội và phù hợp với xu thế giao dịch hàng hóa sinh thái trên thế giới.

Qua 10 năm vận hành, đến nay, hệ thống Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cả nước đã thu ủy thác được hơn 16 nghìn tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu là thu từ dịch vụ thủy văn rừng (chiếm khoảng 96% tổng thu dịch vụ môi trường rừng) và có xu thế tăng trong những năm gần đây.

Năm 2020, nguồn thu đạt xấp xỉ 2.600 tỷ đồng. Kế hoạch 2021 dự kiến đạt trên 3.000 tỷ đồng. Từ năm 2022 trở đi, nguồn thu sẽ tăng cao nhiều nữa do có sự bổ sung của dịch vụ chi trả giảm phát thải khí CO2 từ rừng.

Kết quả thực hiện chính sách đã có tác động rất tích cực về nhiều mặt. Một là, làm giảm áp lực đối với ngân sách Nhà nước cho ngành lâm nghiệp và làm thay đổi cơ cấu đầu tư trong lâm nghiệp. Từ năm 2018 trở đi, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng chiếm khoảng 18,5% tổng đầu tư toàn xã hội vào ngành lâm nghiệp và bằng 95,3% ngân sách Nhà nước đầu tư vào ngành lâm nghiệp hàng năm. Hai là, tạo ra và thúc đẩy việc hình thành cơ chế tài chính mới trong lâm nghiệp, là điển hình về huy động nguồn lực xã hội dựa trên việc chi trả và hưởng lợi dựa trên các chức năng có lợi của rừng về mặt sinh thái, nói cách khác là cho thu về "tiền tệ sinh thái". Ba là, tiền dịch vụ môi trường rừng tuy chưa nhiều, nhưng có ý nghĩa lớn đối với việc cải thiện sinh kế của người dân, trong đó chủ yếu là của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, sống phụ thuộc vào rừng. Tiền dịch vụ môi trường rừng chiếm bình quân khoảng 15% thu nhập từ tiền mặt của các hộ gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

PV: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế áp dụng chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 theo nguyên tắc địa phương phát triển công nghiệp, phát thải CO2 phải mua chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 của địa phương sản xuất được nhiều tín chỉ cacbon. Nội dung này hỗ trợ gì cho dịch vụ lưu giữ, hấp thụ cacbon từ rừng sắp triển khai không, thưa ông?

GS. Phạm Văn Điển:

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể và rõ ràng về "chỉ số môi trường rừng" và "chỉ số CO2". Còn dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon của rừng là một loại dịch vụ môi trường rừng đã được quy định tại Khoản 3, Điều 61 Luật Lâm nghiệp. Từ góc nhìn của hoạt động thương mại CO2 trong lâm nghiệp, tôi cho rằng điểm có thể hỗ trợ thực hiện chương trình là ở triết lý "dịch vụ xanh và tiền tệ sinh thái". Bên trả tiền (do được hưởng dịch vụ xanh) hoặc bên nhận tiền (do tạo ra dịch vụ xanh) đều dựa trên chức năng sinh thái của rừng.

Khác biệt giữa chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 với phát triển dịch vụ hấp thụ và lưu trữ cacbon từ rừng có thể ở hai điểm. Một là, phạm vi của dịch vụ hấp thụ và lưu trữ cacbon rừng rộng hơn, có thể hình thành thị trường cacbon trong nước và quốc tế, trong khi ý tưởng chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 giới hạn ở thị trường cacbon nội địa. Hai là, Chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 phản ánh cả về tình trạng "CO2 được giảm phát thải từ rừng và phát thải từ các hoạt động của một địa phương", trong khi dịch vụ lưu giữ, hấp thụ cacbon chủ yếu phản ánh tín chỉ cacbon rừng (không đề cập đến lượng phát thải hay hạn ngạch phát thải của địa phương nào đó).

 

PV: Song song với chi trả dịch vụ môi trường rừng như hiện nay, việc ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) cũng giúp ngành lâm nghiệp mở ra một nguồn thu mới nhiều tiềm năng. Trong dài hạn, nguồn thu từ dịch vụ giảm phát thải CO2 từ rừng có thể dự báo chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng hay không?

GS. Phạm Văn Điển:

Theo ERPA, trong giai đoạn 2018 - 2024, WB trả cho chúng ta 51,5 triệu USD để được chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng vùng Bắc Trung Bộ (gồm 6 tỉnh, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế). Kết quả tính toán cho thấy, đến thời điểm hiện tại, lượng "hàng hóa" này đã cơ bản đủ để "chuyển nhượng" cho WB, mở ra cơ hội sớm kết thúc thỏa thuận và tìm kiếm thị trường mới cho chuyển nhượng lượng tín chỉ cacbon được bổ sung mới trong những năm tiếp theo.

Về mặt tiềm năng, lượng CO2 giảm phát thải từ rừng trong một số năm tới có thể đạt xấp xỉ 57 triệu tấn/năm, mở ra cơ hội thương mại tín chỉ cacbon rừng Việt Nam là khá lớn. Theo đó, nếu bán với giá 5 USD/tín chỉ cacbon (tương đương 1 tấn CO2), hàng năm cho số thu vài trăm triệu USD, rất có ý nghĩa trong việc nâng cao tổng thu từ dịch vụ môi trường rừng. 

Dự báo trong thời gian tới, "nhu cầu mua tín chỉ cacbon" sẽ lớn hơn "khả năng cung cấp", làm cho thị trường cacbon trở nên sôi động, cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế. Người sản xuất "tín chỉ cacbon" sẽ có động lực quản lý tốt hơn các khu rừng của mình, trong khi các nhà sản xuất có phát thải sẽ có động lực vào việc thay đổi công nghệ, đầu tư vào năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sạch, phát triển cacbon thấp, nhằm giảm thiểu độ vượt về hạn ngạch. Ngày càng có nhiều người mua hạn ngạch hoặc tín chỉ cacbon là dấu hiệu tốt và khởi sắc của nền kinh tế xanh. Điều này cũng tạo cơ hội cho việc nâng cao tỷ trọng đóng góp của dịch vụ cacbon rừng trong cơ cấu dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Hiện nay, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng được thực hiện ở 42 tỉnh, trên diện tích 6,5 triệu ha rừng (chiếm 45% tổng diện tích rừng toàn quốc), với 500 nghìn hộ gia đình được nhận tiền, bình quân khoảng 430 nghìn đồng/ha/năm. Một số tỉnh có nguồn thu trên 200 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng trong năm 2019, như: Điện Biên (236 tỷ), Sơn La (246 tỷ), Kon Tum (277 tỷ), Lâm Đồng (327 tỷ) và Lai Châu (570 tỷ).

Khánh Ly (thực hiện)