Giá nhà đất ở TP. Thủ Đức tăng “nóng”

Bất động sản - Ngày đăng : 10:39, 11/03/2021

(TN&MT) - Sau khi TP. Thủ Đức được thành lập, giá bất động sản (BĐS) trên địa bàn ngày càng “leo thang”, giá nhà đất nhiều khu vực tăng từ 20% - 40%, thậm chí có nơi giá nhà đất đã tăng gấp đôi. Theo các chuyên gia BĐS, việc tăng giá nhà đất do tâm lý giới đầu cơ cho rằng “gom hàng” để chờ lên giá rồi “bung hàng”, nhưng việc đầu tư BĐS chạy theo thời vụ này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Giá nhà đất đang tăng nhanh

Kể từ khi UBND TP.HCM công bố quyết định thành lập TP. Thủ Đức, nhà đất tại đây bắt đầu tăng giá “chóng mặt”. Chỉ sau thời gian ngắn, giá nhà đất tại một số khu vực trên địa bàn đã được đẩy lên cao bởi đội ngũ “cò” đất thi nhau làm giá. Trong đó, khu vực đắt giá nhất được kể đến là trung tâm hành chính của TP. Thủ Đức. Theo ghi nhận của phóng viên, giá đất ở phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Tăng Nhơn Phú, Long Phước, Long Trường, Phú Hữu… (TP. Thủ Đức) cũng tăng rất cao.

So với giá đất đầu năm 2020, giá nhà đất dọc các trục đường chính như: Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển (TP. Thủ Đức) đã tăng từ 70 - 100 triệu đồng/m2, những khu vực còn lại mức giá đất tăng có thấp hơn nhưng cũng từ tăng 30 - 60 triệu đồng/m2. Còn giá đất các khu vực tại quận 2 trước đây cũng tăng “chóng mặt”. Điển hình căn nhà 64 m2 mặt tiền đường Lương Định Của, phường Bình An được chủ nhà rao bán giá 12 tỷ đồng, nhưng trước đó một năm giá nhà chỉ có khoảng 9 tỷ đồng.

Theo lý giải của một “cò” đất chuyên nghiệp, giá đất tăng là do TP. Thủ Đức cơ bản đồng bộ hóa được cơ sở hạ tầng. Hệ thống metro, đường kết nối về Sân bay Long Thành đang được triển khai xây dựng đã khiến giới đầu cơ xuống tiền không tiếc tay. Trong dài hạn, đầu cơ vào nhà đất “găm hàng” chờ vài năm sau để “bung hàng” là không thể thua lỗ. “Cò” đất này nhẩm tính: “Nếu đầu tư vào sản xuất kinh doanh sinh lãi 20%/năm vẫn thấp hơn giá nhà đất đang đắt đỏ theo từng ngày. Rủi ro khi đầu cơ nhà đất thấp hơn so với đầu tư vào sản xuất kinh doanh các mặt hàng khác”.

Về vấn đề này, Chuyên gia Kinh tế Lê Bá Chí Nhân cho rằng, người dân có tâm lý đổ xô đầu cơ nhà đất ở những khu vực vùng ven TP.HCM là chuyện bình thường khi quỹ đất ở khu trung tâm thành phố đã cạn kiệt. Tại khu vực trung tâm thành phố, quỹ đất đang được dành cho những dự án nhà cao tầng thì người dân buộc phải dạt ra những khu vực vùng ven thành phố. Thậm chí, quan niệm những ngày trong tuần tất bật với công việc nhưng cuối tuần di chuyển ra các tỉnh lân cận để nghỉ ngơi trong những căn hộ mang phong cách miền quê yên bình đang có xu hướng khá phổ biến.

Giá bất động sản tại TP. Thủ Đức đang tăng nhanh (Ảnh minh họa)

Cần giải bài toán “sốt” giá

Chuyên gia Kinh tế Lê Bá Chí Nhân cho rằng, để giải quyết bài toán “sốt” giá nhà đất không chỉ ở những địa phương có thành phố mới thành lập mà cần có giải pháp đồng bộ trên cả nước. Trong đó, cần kiểm soát được các giao dịch nhà đất để đánh thuế thu nhập nhằm hạn chế sự tăng giá đất ảo. Chính quyền địa phương cũng cần công khai minh bạch việc quy hoạch quỹ đất để tránh tình trạng đầu cơ nhà đất “bát nháo”, giá BĐS có dấu hiệu “sốt” ảo như hiện nay. Ngoài ra, việc công khai các dự án hạ tầng trên địa bàn sẽ hạn chế được tình trạng bong bóng trên thị trường BĐS.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho hay, tốc độ tăng dân số bình quân của TP.HCM đang có xu thế giảm dần. Nguyên nhân do các tỉnh lân cận có tốc độ công nghiệp hóa nhanh, thu hút số lượng lớn người nhập cư. Nếu căn cứ quy mô dân số chính thức thì thành phố được cấp ngân sách không đủ để thực hiện các nhiệm vụ chi. Trong khi đó, với quy mô dân số thực tế bao gồm khoảng gần 3 triệu người nhập cư và khách vãng lai hiện nay thì TP.HCM vẫn còn khó khăn trong giải quyết các nhu cầu về nhà ở, đi lại, y tế và các dịch vụ khác.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, dự án phát triển khu đô thị mới cũng vướng không ít rào cản như không thể tăng hệ số sử dụng đất, tăng độ nén đô thị do rào cản về chỉ tiêu dân số, ví dụ khu vực phường Long Phước (quận 9 cũ), hay các dự án nhà ở tại quận 2 cũ… Do đó, HoREA kiến nghị các cơ quan, ban ngành quan tâm hơn để tháo gỡ vướng mắc, rào cản về “chỉ tiêu dân số” trong công tác điều chỉnh “Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060”, hướng đến sự phát triển bền vững và tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS đầu tư trên địa bàn.

“Riêng đối với TP. Thủ Đức thì cần sớm công khai các quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch và xóa những quy hoạch “treo” không phù hợp với thực tế để người dân có cơ hội kịp thời khai thác, làm tăng giá trị sử dụng của đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là về lĩnh vực đất đai để phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng thuận lợi hơn”, ông Châu đề xuất thêm.

Đình Du