“Đỏ, xanh lơ thì ra Hà Nội”

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:25, 09/03/2021

(TN&MT) - “Thủ đô Hà Nội có lịch sử hơn 1.000 năm. Cái tên Hà Nội được đặt sau này, có nghĩa là trong sông, bởi vùng đất Thủ đô được các dòng sông bao bọc, mà điển hình là sông Hồng. Hồ Tây, Hồ Gươm và các hồ, đầm khác của Hà Nội đều bắt nguồn từ sông Hồng. Hà Nội xưa kia có nhiều cây xanh và nước, cho nên người Pháp đã đúc kết lại rằng: đỏ, xanh lơ thì ra Hà Nội. Đỏ là màu nước sông Hồng; màu xanh là xanh của cây lá. Đó là nét đặc trưng, là bản sắc riêng của Hà Nội”.

Đó là ý kiến chia sẻ của KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo TN&MT.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

PV: “Đỏ, xanh lơ” hòa lại trở thành sắc màu riêng của Hà Nội, tuy nhiên, nó dường như bị phai nhạt, khi sông, hồ của Hà Nội đang đối diện với tình trạng ô nhiễm, diện tích mặt nước ngày càng thu hẹp lại, thưa ông?

KTS Phạm Thanh Tùng:

Đây là một điều rất đau xót, nhưng là điều mà chúng ta phải chấp nhận khi đang phát triển. Trong khoảng 30 năm đô thị hóa, Hà Nội phát triển rất nhanh. Chính tốc độ đô thị hóa đó đã bắt buộc người ta phải lấp hồ, lấp ao để xây dựng, bởi lấp hồ, ao rất thuận tiện cho các dự án không phải giải phóng mặt bằng. Đây là điều bất cập, khi chúng ta phát triển, lại quên mất một điều rằng: ao, hồ, mặt nước của Hà Nội không chỉ là cảnh quan, là lá phổi xanh để điều tiết khí hậu mà còn là nơi chứa nước, giúp Hà Nội không bị ngập lụt. Khi bê tông hóa không gian mặt nước, Hà Nội bắt đầu trả giá. Trả giá bằng gì? Có thể chúng ta tăng trưởng về kinh tế nhưng lại tăng trưởng âm về môi trường. Chúng ta mất đi cái gì? Mất đi cảnh quan, mất đi lá phổi xanh điều tiết khí hậu cho thành phố và con người đang bị sống tù túng bởi đang mất dần đi thiên nhiên của mình. Cuộc sống stress nhiều hơn, thậm chí là cực đoan vì thiếu môi trường.

Tôi chỉ lấy riêng một ví dụ, đó là hình ảnh những dòng sông đã chết và sắp chết như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Sét, sông Lừ... Bạn cứ đi sẽ thấy có những miệng cống xả thải rất to, rộng đến hơn 1 m. Cả nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đều đổ ra đó.

Toàn cảnh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: MH

PV: Những dòng sông như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Lừ, sông Sét... đã bao năm trở thành điểm đen ô nhiễm của Thủ đô, và Hà Nội đang triển khai các hoạt động để cải thiện tình trạng này. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

KTS Phạm Thanh Tùng:

Hiện nay, Hà Nội đang cố gắng sửa sai để kiểm soát được đô thị hóa. Hà Nội cần học tập TP. Hồ Chí Minh, phải rất nhanh chóng hồi sinh những dòng sông đã chết và sắp chết. Nếu chúng ta làm được điều này thì cảnh quan Hà Nội sẽ khác, sẽ trong lành hơn. Tôi được biết, để cải tạo sông Tô Lịch, Hà Nội đang xây dựng cống ngầm gom nước thải đặt ở hai bên sông. Sắp tới, Hà Nội sẽ thực hiện một dự án cực lớn là làm đường hầm dưới sông Tô Lịch, trở thành nét giao thông ngầm, đồng thời là bọng chứa nước mỗi khi Hà Nội bị ngập lụt. Mô hình này đã được các nước khác như Nhật Bản, Malaysia ứng dụng. Họ làm đường ngầm cho ô tô đi và biến nó trở thành kỳ quan của thời đại mới. Chúng ta cũng nên làm, dù tốn kém. Chúng ta phải ý thức được rằng, tài nguyên trên mặt đất đang cạn kiệt, ở dưới mặt đất là nguồn tài nguyên cần khai thác.

Trong câu chuyện cải thiện môi trường, tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề ý thức con người (gồm ý thức của người sử dụng và người quản lý). Nếu các nhà quản lý chỉ quan tâm đến năm nay tăng trưởng kinh tế được bao nhiêu %, GDP ở mức nào, phải xây dựng được nhiều chung cư, nhiều tòa nhà thì sẽ tạo thêm nhiều áp lực đến môi trường cảnh quan. Nhưng khi mọi người biết rằng 1 m2 chung cư không thể bằng 1 m2 cây xanh xét về giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, thì chúng ta sẽ thận trọng hơn, coi sông hồ là tài nguyên, coi 1 m2 đất đô thị là tài nguyên vô giá, vì nó sinh lời về giá trị văn hóa tinh thần, tạo nên nếp sống của con người trong thời đại mới.

PV: Để tái tạo lại “sắc xanh” cho Thủ đô, hành động nào thiết thực, có thể triển khai ngay, thưa ông?

KTS Phạm Thanh Tùng:

Hiện nay, ở Hà Nội, mật độ cây xanh rất thấp. Tỷ lệ cây xanh càng cao thì lượng bụi càng giảm. Vậy nên, để tạo thêm mảng xanh đô thị nói riêng và cả nước nói chung, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Phong trào Trồng 1 tỷ cây xanh. Tôi rất xúc động trước sáng kiến này.

Tôi mong rằng, các nhà khoa học lâm nghiệp sẽ tham gia nghiên cứu để chọn cây nào phù hợp với xứ sở chúng ta. Các thành phố phải có được loại cây riêng. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Hải Phòng là thành phố hoa phượng đỏ, Hà Nội với những hàng sấu hay mùi hoa sữa nồng nàn, Sài Gòn với lá me bay, Điện Biên có hoa ban... Trồng cây phải trở thành một nét của văn hóa Việt, góp phần tạo môi trường sống của chúng ta xanh, an toàn, bền vững, văn minh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tống Minh (thực hiện)