Đưa chè Suối Giàng vươn xa

Dân tộc - Tôn giáo - Ngày đăng : 08:36, 02/03/2021

(TN&MT) - Những năm gần đây, giá trị và diện tích chè Shan tuyết cổ thụ của huyện Văn Chấn (Yên Bái) ngày một nâng lên. Chè Shan tuyết cổ thụ dần khẳng định vị thế, tiếp cận thị trường khó tính.

Sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao

Khi những màn sương mù vẫn còn bao phủ khắp núi rừng, những rừng chè Shan tuyết cổ thụ của xã Suối Giàng, Suối Quyền, Sùng Đô, Nậm Mười huyện Văn Chấn vẫn chìm trong giấc ngủ đông thì đồng bào Mông, đồng bào Dao đã tranh thủ phát cỏ, tỉa cành cho mùa vụ mới.

Sản phẩm chè Suối Giàng đạt chuẩn OCOP 4 sao

Niềm vui ngày xuân xen lẫn niềm tự hào khi tên tuổi, giá trị của cây chè Shan tuyết đã vươn xa, chinh phục các thị trường chè khó tính trên thế giới. Nhờ đó, thu nhập từ chè Shan đã mang lại đời sống ngày càng khấm khá cho nhân dân.

Với đồng bào Mông, xã Suối Giàng phấn khởi hơn khi các các sản phẩm chè của xã nhà đã đạt chuẩn OCOP 4 sao. Hơn nữa, trong xã có hợp tác xã liên kết cùng sản xuất, người dân được bao tiêu sản phẩm với giá trung bình 20.000 đồng/kg chè búp tươi. 

Giá trị cây chè được nâng lên giúp người dân cải thiện đời sống

Đặc biệt, từ khi chè Suối Giàng được chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm Tuyết Sơn Trà, đến quần thể 400 cây chè Shan tuyết được công nhận cây di sản Việt Nam và nay là chứng nhận nguồn gốc hữu cơ quốc tế, chứng nhận OCOP 4 sao, người dân nơi đây đã thay đổi nhận thức trong trồng, chăm sóc và thu hái. Từ chỗ bỏ hoang, nay đồng bào Mông đã biết bảo vệ, biết trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ và đặc biệt là thu hái đúng quy trình, kỹ thuật

Anh Vàng A Lồng - Thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, Văn Chấn chia sẻ: Cây chè Suối Giàng có từ xa xưa, được mọc tự nhiên không cần chăm sóc vẫn cho búp. Thế nhưng, những năm gần đây cây chè được HTX tại địa phương thu mua với giá ổn định, được cán bộ xã dạy cách chăm sóc để cây phát triển tốt hơn, thu nhập của người dân khá hơn rất nhiều. Nhờ vậy mà đời sống của người dân ngày được nâng lên.

Đưa cây chè vươn xa

Với trên 1.500ha chè Shan tuyết, hàng năm sản lượng đạt trên 3.500 tấn, cây chè Shan tuyết ở Văn Chấn không chỉ là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số mà còn làm nên tên tuổi thu hút khách du lịch đến với vùng cao.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước giá trị cây chè Shan tuyết ngày càng tăng, diện tích chè Shan tuyết cũng được mở rộng. Đặc biệt, đồng bào vùng cao đã hợp tác để sản xuất ra nhiều sản phẩm chè đặc sản, có chất lượng, giá trị ngày càng cao. Từ Tuyết Sơn Trà đến Đại Lão Vương Trà đã lần lượt tiếp cận được những thị trường chè khó tính của thế giới.

Từ cây chè cổ thụ HTX đã là được 4 loại trà khác nhau, có hương vị khác nhau

Anh Đặng Thái Sơn – Nghệ nhân trà HTX du lich sinh thái Suối Giàng cho biết: Hợp tác xã du lịch sinh thái Suối Giàng đã tiên phong trong việc thay đổi tư duy làm trà. Cùng một cây chè cổ thụ HTX đã là được 4 loại trà phục vụ sở thích của từng người, người thích uống đậm, người thích uống vị thanh mát. Khi du khách tới đây được thưởng thức vị trà đều rất thích. Hiện nay, chè Suối Giàng không chỉ phục vụ cho người dân địa phương, ở Yên Bái mà rất nhiều địa phương khác đã và đang sử dụng chè Suối Giàng.

Ngoài Suối Giàng, một số xã trong huyện cũng có chè Shan tuyết, tuy không nổi tiếng như trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng nhưng các sản phẩm búp tươi chè Shan vùng cao ở Văn Chấn đều đã có giá bình quân trên 10.000 đồng/kg. Giá trị này còn thấp so với giá trị vốn có của nó, nhưng điều quan trọng là sản phẩm chè Shan vùng cao đã và đang được thị trường rất ưa chuộng.

Trà Suối Giàng đã có tên tuổi trong và ngoài nước

Từ chỗ khó tiêu thụ khi vào chính vụ thì nay tư thương, doanh nghiệp vào tận làng, tận bản lập xưởng chế biến tại chỗ. Giá trị sản phẩm chè Shan vì thế mà tăng lên từng ngày, giúp đời sống đông bào Dao, đồng bào Mông thêm khới sắc. Những cây chè ở Sùng Đô, Suối Quyền, Suối Bu, Nậm Mười, quanh năm, bốn mùa mây phủ giờ đã được bạn bè năm châu biết đến.

Với quy trình sản xuất hữu cơ tự nhiên, cây chè Shan vùng cao không mất chi phí vật tư và công sức bón phân, phun thuốc, nhưng việc thu hái đòi hỏi nhiều công sức hơn. Với giá bình quân 10.000 – 12.000 đồng/kg, mỗi công thu hái cũng đạt từ 250 – 300 ngàn đồng. Đó là thu nhập khá lớn đối với đồng bào các dân tộc vùng cao. Với việc áp dụng nhưng quy trình trồng, chăm sóc mới cây chè Shan tuyết sẽ ngày càng cho giá trị và thu nhập cao hơn.

Ông Mùa A Giàng - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, Văn Chấn cho biết: Đến nay chúng tôi đang vận động người dân bảo tồn nguồn nguyên liệu chè Suối Giàng, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, trồng thêm, trồng dặm để tăng thêm diện tích.

Trân trọng món quà mà thiên nhiên ban tặng, đồng bào Dao, đồng bào Mông ở Văn Chấn đã thay đổi tư duy trong sản xuất, không ngừng nỗ lực để mở rộng diện tích nâng cao giá trị cho cây chè Shan tuyết cổ thụ trên những dẻo cao.

Cùng với những chính sách của nhà nước, sự quan tâm của chính quyền các cấp đã đưa sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ của Văn Chấn vượt ra khỏi những thung sâu, núi cao để đến với khách hàng trong và ngoài nước, góp phần mang đến mùa xuân ấm no, đủ đầy cho người dân nơi đây.

Thanh Ngà