Vietsovpetro quyết liệt triển khai nhiều giải pháp ứng phó với giá dầu suy giảm

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 16:44, 25/02/2021

(TN&MT) - Năm 2020 khép lại đầy sóng gió với những biến động chưa từng có trong lịch sử thị trường dầu mỏ thế giới. Tình hình giá dầu suy giảm do tác động của đại dịch Covid-19 từ đầu tháng 3/2020 đã buộc các doanh nghiệp dầu khí, trong đó có Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, phải nhanh chóng xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo kiểm soát dòng tiền và cân đối tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngày 21/04/2020 trở thành “ngày đen tối” của thị trường dầu mỏ thế giới khi lần đầu tiên trong lịch sử dầu WTI giảm giá sốc với mức âm hơn 37 USD/thùng, giá dầu Brent cũng đã giảm xuống dưới 20 USD/thùng. Trong nửa sau năm 2020, thị trường năng lượng có xu hướng tương đối ít đột biến cho tới hết tháng 10. Hai tháng cuối cùng của năm 2020, “vàng đen” lại đi lên khá mạnh mẽ. Tin tức về vắc-xin ngừa COVID-19 giúp giá dầu phục hồi lên mức cao nhất trong khoảng 10 tháng cuối năm 2020. Đến nay, dù đã khép lại năm 2020 với giá dầu đạt mức khá hơn kỳ vọng là khoảng 51 USD/thùng, song thế giới vẫn chưa thể cảm thấy “an tâm” vì những bất ổn do đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn.

Thị trường dầu mỏ thế giới năm 2020 còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị khác của các nước, trong đó có Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Trong bốn tháng đầu năm 2020, tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác chủ chốt không đạt được thỏa thuận cắt giảm nguồn cung, Ả Rập Xê Út quyết định tăng sản lượng làm cho giá dầu thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, các yếu tố địa chính trị, kinh tế tiếp tục tác động làm giá dầu tăng, điển hình là diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ; kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu sau khi một số quốc gia đồng loạt công bố kết quả nghiên cứu vắc-xin COVID-19 có hiệu quả; nguồn cung xăng dầu giảm do thu hẹp hoạt động khai thác của một số quốc gia sản xuất lớn ngoài OPEC+ và thực hiện thỏa thuận của các nước OPEC+ về cắt giảm sản lượng khai thác dầu.

Cụm giàn Trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ

Vietsovpetro cũng như các doanh nghiệp dầu khí khác không nằm ngoài vòng xoáy của những biến động trên. Giá dầu xuất bán của Vietsovpetro được xác định trên cơ sở giá trung bình tháng của dầu Brent và được cộng thêm một giá trị nhất định (premium). Do chất lượng dầu tốt hơn và nhu cầu của thị trường, giá trị “Premium” dầu của Vietsovpetro cũng khác nhau theo thời gian.

Tình hình giá dầu suy giảm do tác động của đại dịch COVID-19 từ đầu tháng 3/2020 dẫn đến nguy cơ thiếu hụt tài chính do hoạt động sản xuất Lô 09-1 được trang trải bằng nguồn tài chính là phần dầu để lại từ doanh thu bán dầu. Tại thời điểm này, theo dự đoán, khả năng thiếu hụt tài chính của Vietsovpetro cho hoạt động sản xuất Lô 09-1 từ 50 triệu USD đến 199 triệu USD tùy theo giá dầu dao động ở mức 50 xuống đến 30 USD/thùng. Trước tình hình đó, Vietsovpetro đã xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết giảm/tối ưu chi phí.

Trong đó, tiến hành rà soát, tối ưu hóa các giải pháp nhằm tăng sản lượng khai thác, như: tối ưu biện pháp địa chất kỹ thuật; chuyển các biện pháp địa chất kỹ thuật có hiệu quả thấp sang năm 2021; tiếp tục tối ưu chế độ làm việc của các giếng gaslift; tối ưu sản lượng khai thác tại các giếng tầng móng; tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo tiến độ dự án trọng điểm, chủ động kiểm soát tiến độ thực hiện dự án để trong trường hợp nhà thầu không thể cung cấp vật tư thiết bị đúng thời hạn do dịch COVID-19 sẽ có biện pháp thi công hay biện pháp kỹ thuật thay thế.

Vietsovpetro đã tăng cường thực hiện “Chương trình tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động năm 2020” với các biện pháp cụ thể như giảm chi phí nhiên liệu, nguyên vật liệu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tối ưu hóa chi phí sử dụng nước tại các công trình; các biện pháp giảm chi phí do tăng cường tự thực hiện bằng nội lực; sử dụng tối đa cơ sở vật chất và tối ưu/cắt giảm chi phí thuê dịch vụ ngoài; tối ưu hóa chi phí gaslift nhằm giảm thiếu hụt công suất và tiết kiệm chi phí thuê tài sản cố định; đàm phán giảm giá các gói thầu mua sắm và cung cấp dịch vụ cho Vietsovpetro; tăng cường áp dụng các giải pháp, sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất; hợp lý hóa, rút ngắn thời gian luân chuyển sử dụng vật tư vào sản xuất; thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí quản lý và biện pháp khác nhằm tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Người lao động Vietsovpetro trên các công trình biển

Một số công việc, hạng mục đầu tư năm 2020 chưa cấp thiết được dừng/giãn tiến độ thực hiện và thanh toán. Cụ thể như hủy/chuyển tiếp thanh toán mua sắm vật tư thiết bị sang giai đoạn sau; chuyển tiến độ thi công và thanh toán đối với các sửa chữa, bảo dưỡng, khảo sát thiết kế sang năm 2021; dừng các thử nghiệm công nghiệp; dời thời hạn thực hiện các dự án cải hoán nâng cấp các công trình; hạn chế sử dụng giàn thuê để thực hiện các GTM Lô 09-1 v.v...

Kết quả là tổng số tiền tiết giảm từ các giải pháp tối ưu hóa sản xuất và tiết giảm chi phí Lô 09-1 năm 2020 đạt trên 105 triệu USD, góp phần đảm bảo tài chính cho sản xuất Lô 09-1 không bị thiếu hụt trong năm 2020Đây là kết quả của những cố gắng rất lớn của Vietsovpetro trong việc thực hiện thành công các giải pháp tối ưu hóa sản xuất và tiết giảm chi phí trong suốt một năm qua.

Năm 2021 dự báo tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với Vietsovpetro khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại và giá dầu biến động khó lường; cùng với đó là sự suy giảm nhanh sản lượng khai thác dầu của các mỏ Lô 09-1, Vietsovpetro sẽ tiếp tục phải đối phó với nguy cơ thiếu hụt kinh phí cho sản xuất Lô 09-1. Để đảm bảo kiểm soát dòng tiền và cân đối tài chính cho hoạt động sản xuất, từ kinh nghiệm ứng phó khủng khoảng của năm 2020, Vietsovpetro tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tối ưu hóa sản xuất và chi phí như đã thực hiện thành công trong năm 2020.

PV