Nhìn lại tục hiến tế trâu trong những lễ hội mùa xuân ở Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 14:06, 24/02/2021

(TN&MT) - Trong số hàng nghìn lễ hội xuân diễn ra ở Việt Nam có nhiều lễ hội liên quan tới trâu được tổ chức như: lễ hội chọi trâu; lễ hội đâm trâu; lễ hội treo cổ trâu … Khi dịch Covid-19 chưa xảy đến, những lễ hội này luôn là đề tài tranh luận nóng bỏng của dư luận xã hội do liên quan tới tính bạo lực, phản cảm.

Mặc dù chưa có thống kê chính xác nhưng có thể thấy rằng, những lễ hội liên quan tới con trâu chiếm số lượng không nhỏ trong số những lễ hội xuân ở Việt Nam. Có thể kể đến hàng loạt lễ hội điển hình như: lễ hội chọi trâu (ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Nội …); lễ hội đâm trâu (của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên); lễ hội treo cổ trâu (Yên Bái).

Khi dịch Covid-19 chưa xảy đến, những lễ hội này luôn là đề tài tranh luận nóng bỏng trên các diễn đàn xã hội do liên quan tới yếu tố phản cảm, bạo lực, thiếu nhân văn … Tuy nhiên nhìn nhận dưới góc nhìn văn hóa, chúng ta giải thích những lễ hội này như thế nào?

Trong một dịp được trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, người viết bài này đã được ông giải thích cho những ý nghĩa văn hóa ẩn sau những hành động mà hiện nay bị nhiều người cho là “bạo lực, phản cảm”.

Chọi trâu là một trong những lễ hội lớn của nhiều địa phương Bắc Bộ

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, ở một số vùng của Việt Nam, con trâu (đặc biệt là trâu trắng) có rất nhiều ý nghĩa. Con trâu thuộc tính âm, màu trắng tượng trưng cho nước nên đây là một biểu tượng cho quỷ nước. Hình thức treo cổ trâu hay đâm trâu thực chất là một hình thức hiến tế cho thần, và là một cách để trị quỷ nước.

Trong thời phong kiến, vào ngày 30 Tết, triều đình thực hiện nghi thức Đả xuân ngưu ngay tại đền Bạch Mã bây giờ. Họ làm một con trâu bằng đất sét rồi quét vôi trắng lên đó. Sau đó người ta dùng roi dâu (roi làm bằng cây dâu - PV) và đánh lên người con trâu trắng đó. Giải thích dưới góc độ biểu tượng văn hóa thì roi dâu thuộc tính dương nên có khả năng trừ tà, sát quỷ. Con trâu trắng biểu tượng cho quỷ nước. Dùng roi dâu đánh trâu trắng là hình thức trị quỷ nước và cầu cho mùa màng bội thu.

Hoặc như hành động đâm trâu cũng vậy. Màu đỏ tượng trưng cho sinh khí nên khi máu tóe ra thì sinh khí tràn đầy, con người sẽ nhận được một sức mạnh tâm linh rất lớn. Nếu người ta nhìn dưới góc độ tâm linh sâu sắc như vậy thì những hành động trên liệu có còn là ác độc, dã man? Vấn đề ở chỗ, dưới góc nhìn trực quan, nhiều người không chấp nhận cách giải thích như vậy và cho rằng, hình thức đâm trâu hay treo cổ trâu gây mất phản cảm và không có giá trị giáo dục.

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền thì tâm lý này cũng dễ hiểu bởi: “Đại bộ phận người dân bây giờ chỉ nhìn thấy hình (tức những biểu hiện hành vi bên ngoài như: treo cổ trâu, đâm trâu …) mà không thấy thể (tức không hiểu bản chất, ý nghĩa của tập tục đó). Hơn nữa, nhiều người cũng tò mò thái quá. Bởi lẽ tục đâm trâu hay treo cổ trâu hiện nay hầu hết được tổ chức kín đáo trong một không gian hẹp (nhiều nơi còn tổ chức vào ban đêm như tục treo cổ trâu ở Yên Bái).

Đâm trâu là nghi thức quan trọng của nhiều dân tộc ở Tây Nguyên

Ấy vậy mà nhiều người tò mò, không hiểu lễ hội, tìm mọi cách để được xem phần lễ rồi quay phim, chụp ảnh tung lên mạng. Họ không hiểu được bản chất của những nghi thức trong lễ hội nhưng đã vội vàng phê phán thì đó chỉ là phê phán sai lầm. Nếu để nghi thức đó diễn ra trong không gian hẹp, không cho quay phim chụp ảnh thì đâu còn phản cảm?”.

Tuy nhiên nhà nghiên cứu này cũng cho rằng chúng ta vẫn cần phải dung hòa, dung hội cả cũ lẫn mới, vừa đáp ứng nhu cầu của dư luận hiện đại, vừa thỏa mãn mong muốn của những chủ thể lễ hội. “Tôi nghĩ cách tổ chức hiến tế trong không gian kín là cách xử lý hay vừa thỏa mãn công chúng, vừa thỏa mãn những chủ thể lễ hội. Tôi nghĩ muốn phán xét một hiện tượng văn hóa thì trước hết, phải thấu hiểu nó đã. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nền văn hóa khác, họ luôn có những hình thức vay mượn sức mạnh của thánh thần.

Tục đâm trâu, chọi trâu và chia nhau phần thịt của trâu chọi … cũng ẩn tàng triết lý vay mượn sức mạnh thần linh tương tự như vậy nên tính thiêng của nó rất cao. Văn hóa luôn là tốt, là giá trị đối với chính chủ nhân của nó, nhưng có thể sẽ là không chấp nhận được với các cộng đồng dân cư khác. Nhưng tôi thấy không vì những nghi thức hiến sinh mà con người trở nên bạo lực, hung tợn hơn. Thế nên chúng ta đừng nên vì một hình ảnh, một đoạn video mà đánh giá lễ hội này là phản cảm hay không phản cảm” – nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhận định.

Bất chấp những tranh luận dường như bất tận liên quan tới việc bảo vệ “quyền của động vật”, thực tế là không ít người trong xã hội hiện nay lại đối xử rất “tàn nhẫn” với chính đồng loại của mình. Đơn cử như các lễ hội chọi trâu, người ta chỉ quan tâm con nào thắng để xẻ thịt bán rồi “chặt chém” người mua, thậm chí lừa khách hàng để bán thịt trâu đểu, thịt trâu kém chất lượng. Đây rõ ràng cũng là một câu hỏi rất đáng suy ngẫm.

Phạm Văn