Những phong tục độc đáo ngày Tết của người dân tộc thiểu số vùng cao Lào Cai

Dân tộc thiểu số - Ngày đăng : 22:26, 14/02/2021

(TN&MT) - Không chỉ đặc sắc về ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, lối sống, sinh hoạt mà những phong tục độc đáo để chào đón Tết Nguyên Đán của các dân tộc thiểu số ở vùng cao Lào Cai cũng mang những ý nghĩa sâu xa đã góp phần làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa dân tộc được lưu truyền qua nhiều thế hệ mà đến nay vẫn giữ nguyên được bản sắc.
  1. Tết của người H'mông với nghi lễ gọi hồn và lễ hội Gầu Tào

Người H'mông quan niệm vạn vật tồn tại trong thế giới nhân sinh đều có hồn. Vì vậy, mỗi dịp tết đến xuân về, mong muốn mời được tổ tiên, hồn thóc lúa, hồn vật nuôi, hồn nông cụ, hồn nước, hồn đất, những thứ gắn bó thường nhật với cuộc sống của mình cùng về ăn tết, cứ đến ngày 30 Tết, người H'mông ở vùng cao Nậm Xé (huyện Văn Bàn) lại tổ chức nghi lễ gọi hồn về ăn tết.

Để chuẩn bị cho nghi lễ gọi hồn về ăn tết, gia chủ cùng con cháu trong gia đình cắt giấy, dán giấy bùa và vẽ trứng để chuẩn bị làm lễ. Người H'mông vẽ lên quả trứng làm lễ hình kho thóc, bồ thóc, con trâu, gà, vịt, đồng bạc, cây lanh, hình người để tượng trưng cho hồn lúa, vải chàm, con người, nông sản, tiền, gia súc, gia cầm…Chủ nhà làm lễ khấn gọi hồn về ăn tết với mâm lễ đơn giản gồm rổ gạo nếp, trứng đã vẽ và giấy bùa đặt ở gian chính giữa nhà. Sau khi khấn gọi hồn xong, gia chủ dán giấy bùa lên bàn thờ tổ tiên, cửa chính nhà ở để làm mới ngôi nhà cầu mong năm mới may mắn, thuận lợi.

Người H'mông chuẩn bị đồ cúng gọi hồn tổ tiên về ăn Tết

Tối 30 Tết, người dân tộc H'mông bắt đầu lễ cúng tổ tiên bằng lợn, gà. Trước kia, người H'mông không có truyền thống gói bánh chưng nhưng họ lại chuẩn bị thịt, rượu và bánh ngô đầy đủ trong dịp Tết. Tối ngày 30 Tết, người H'mông cũng tổ tiên của mình bằng những món ăn làm từ thịt lợn, thịt gà. Sau khi cùng tổ tiên, gia đình sẽ quây quần bên nhau và cùng thưởng thức bữa cơm mà người dân tộc Kinh hay gọi là "cơm tất niên" cho đến khi tiếng gà gáy đầu tiên vang lên.

Sau khi cúng gọi hồn xong...

Người H'mông sẽ dán lá bùa lên nhà và các nông cụng , đồ dùng để gọi hồn về ăn Tết

Từ mùng 1 Tết người H’Mông sẽ mặc quần áo, giày dép mới để đi chơi tết. Nhắc đến Tết của người Mông thì không thể thiếu Lễ hội Sái Sán hay còn được gọi là Lễ Hội Gầu Tào. Lễ hội được tổ chức để thể hiện sự tôn kính của người dân, cầu mong cho mùa màng, gia súc bội thu, trẻ em được hạnh phúc. Nếu một gia đình người dân tộc H'mông có thành viên đang đau ốm, sức khỏe không tốt hay mùa màng thất bát thì gia đình có thể mời một thầy cúng tổ chức lễ hội Gầu Táo nhằm cầu mong sự may mắn, sức khỏe tốt hơn.

Tết của dân tộc Tày và phong tục Mo Tham Thát

Tết của dân tộc Tày bắt đầu vào 30 và kết thúc (lễ tạ tổ tiên) vào khoảng sáng mùng Ba. Mùng Bảy, họ ra đồng làm việc nhưng chỉ mang tính hình thức. Đến ngày 15, họ ăn Tết lại, gần giống như ăn rằm tháng Giêng của người Kinh, nhưng người Tày thì gọi là ăn Tết lại. Ngày 27 hay 28, các gia đình đã thịt lợn, gói bánh chưng... Bàn thờ được lau chùi, người ta buộc bốn cây mía vào bốn góc chân bàn thờ, quan niệm đó là cái gậy để tổ tiên chống. Tối 30, vừa tiếp khách đến chơi, phụ nữ trong nhà vừa làm bỏng, chè lam, bánh khảo.

Vào sáng mùng Một Tết âm lịch lễ Mo Tham Thát (chỉ hướng kiêng) sẽ được người Tày tổ chức. Mo Tham Thát là nghi lễ có ý nghĩa, giá trị về mặt địa lý, phong thủy và tín ngưỡng. Cánh đồng rộng trong thôn được thầy Mo chọn làm nơi chỉ hướng.

Đồ cúng Mo Tham Thát chỉ có một tập giấy tiền, giấy vàng được đốt để thực hiện nghi lễ. Khi làm lễ Ba thầy mo thực hành vái ba vái thần linh, trời đất, rồi một ông thày mo đọc bài cúng, ý nghĩa như sau: Hôm nay có hương, hoa, năm mới đã đến, ông mo thay mặt dân làng đi chào ông Tham Thát…Cầu mong ông phù hộ cho bản làng bình yên, người người mạnh khỏe, trồng lúa được mùa, có nhiều tiền bạc, đóng cổng làng cho yên (ngăn không cho cái xấu vào làng) cầu cho mọi thứ tốt đẹp vào làng.

Mo Tham Thát là phong tục độc đáo của người Tày mỗi dịp Tết đến Xuân về

Sau khi những nén hương được thắp, đã chọn được hướng kiêng, thầy mo sẽ chỉ cho người dân trong thôn, xã biết năm nay làm nhà, chuồng trại, đi buôn bán, hay đi rừng… phải kiêng hướng đã chọn. Năm Tân Sửu hướng kiêng là hướng Đông.

Sau khi đã xác định chỉ hướng kiêng xong, thanh niên nam, nữ sẽ thi tài bắn nỏ, trước khi thi, ông mo thực hành nghi lễ bắn trước, sau đó thanh niên nam, nữ mới trổ tài. Nam, nữ thanh niên đội văn nghệ, thể thao mang theo nỏ và tên để thi nhau tranh tài bắn thủng tập giấy tiền vàng với ý nghĩa bắn nát được tập giấy năm đó toàn thể thôn, bản được bình yên, may mắn, phát triển.

Sau lễ Mo Tham Thát người Tày sẽ tổ chức các trò vui chơi để cùng nhau rèn luyện sức khỏe

Tết của người phù Lá

Người Phù Lá ở Lào Cai ăn Tết chính trong 3 ngày từ mồng 1 đến mồng 3 tháng Giêng, nhưng các hoạt động vui xuân thường kéo dài đến hết ngày 15 sau đó mới bắt đầu bước vào lao động sản xuất cho một mùa vụ mới. Để chuẩn bị đón Tết từ tháng Chạp, đồng bào đã chuẩn bị củi, dự trữ rau, sấy khô cá, nấu rượu và tìm lá dong để gói bánh chưng. Ngoài bánh chưng, bánh dầy, người Phù Lá còn có nhiều món ăn ngày Tết đa dạng và độc đáo.

Vào ngày 30 Tết mỗi gia đình người Phù Lá thường vào rừng lấy một ngọn trúc về để quét dọn nhà và đặt lên bàn thờ tổ tiên, với mong muốn quét sạch mọi cái xấu của năm cũ và đón một năm mới an lành, bội thu. Ngày mồng 1 Tết tất cả mọi người đều diện những bộ trang phục mới và đẹp nhất, đi chúc Tết bố mẹ, ông bà, người thân và hàng xóm. Trong tiếng khèn, điệu hát, lời ca rộn rã, người già gặp nhau đầm ấm bên chén rượu trong khi thanh niên, trẻ nhỏ hòa mình vào các trò chơi đu quay, đá cầu, trốn tìm, đánh cỏ, chơi cù…

Phong tục đón Tết của người dân tộc Phù Lá mang đậm nét truyền thống văn hóa của người Việt khi thờ cúng tổ tiên. Đây là một nét văn hóa đặc sắc thể hiện triết lý cội nguồn đáng trân trọng và niềm tin bất diệt về một cuộc sống vĩnh hằng của con người ngày cả khi đã ở cõi chết. Không chỉ vậy, đây còn là dịp để các thế hệ sau có thể ghi nhớ công ơn của những thế hệ trước, biết trân trọng và gìn giữ những nét phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

Người Dao với phong tục Tết Nhảy và "ăn trộm cầu may"

Với quan niệm ngày Tết mùa xuân là dịp để bà con buôn làng vui chơi, thăm hỏi và chúc nhau một năm mới tốt lành nên ở các tộc người Dao đã xuất hiện tục Tết Nhảy để thể hiện hết những mong ước trên. Không chỉ mang đến một năm mới tràn ngập sức sống, Tết Nhảy còn giúp người Dao được dịp rèn luyện thể chất dẻo dai, cơ thể săn chắc để chuẩn bị cho những vụ mùa mới đang chờ đợi ở phía trước. Những người tham gia Tết Nhảy sẽ tham gia hết mình không kể ngày đêm, ai kiệt sức thì nghỉ ngơi để hồi lại và tiếp tục cuộc vui. Mỗi dịp Tết Nhảy mọi người sẽ múa, nhảy lần lượt hàng trăm điệu khác nhau trên nền tiếng chiêng, trống rộn rã sắc xuân.

Tết Nhảy không chỉ mang đến một năm mới tràn ngập sức sống, Tết Nhảy còn giúp người Dao được dịp rèn luyện thể chất dẻo dai, cơ thể săn chắc để chuẩn bị cho những vụ mùa mới đang chờ đợi ở phía trước.

Vào ngày đầu tiên của năm mới, tất cả người Dao tại các bản sẽ tập trung ở một nơi được chọn trước để thực hiện những nghi lễ cổ truyền. Ngay sau đó, tất cả từ già trẻ gái trai đều cùng nhau diễu hành qua các nhà cùng tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn ồn ã, đi đến đâu, họ đều cố gắng lấy trộm vật gì đó từ các gia đình 2 bên. Người Dao quan niệm, càng ăn trộm được nhiều thì năm đó càng may mắn. Ngược lại, trong lúc “hành sự” nếu bị gia chủ bắt gặp sẽ bị phạt uống rượu và cả năm đó coi như không may. Vì tục này không mang nặng tính vật chất nên người Dao thường chỉ ăn trộm những thứ như rau cỏ, thịt, trứng,…trong gian bếp để tượng trưng. Kết thúc hôm đó, những "tên trộm" sẽ đem chiến lợi phẩm của mình trả lại cho các gia đình để xin thưởng.

Bích Hợp